Hưởng ứng phong trào ý nghĩa này, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực, thu hút được đông đảo người dân tham gia nhằm cứu giúp cho những hoàn cảnh kém may mắn có điều kiện tiếp tục sống, cống hiến…
Về dự lễ "Tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của những người hiến tặng giác mạc" do Bộ Y tế tổ chức tại huyện Kim Sơn dịp đầu xuân vừa qua, bà Vũ Thị Lừng (thành phố Hải Phòng) không khỏi xúc động khi được trực tiếp gặp, trò chuyện với thân thân những người hiến tặng giác mạc tại huyện Kim Sơn. Bà chia sẻ: Tôi bị mắt kém, thị lực suy giảm dẫn đến không nhìn được từ mấy năm nay và đã được bác sỹ Bệnh viện Mắt Trung ương chỉ định phẫu thuật ghép giác mạc. Tuy nhiên, do nguồn giác mạc hiến tặng không nhiều nên tôi vẫn xếp hàng chờ đợi với nhiều hy vọng. Khi được Bệnh viện báo đã có nguồn giác mạc hiến tặng, tôi và gia đình mừng rỡ vô cùng, vội lên ngay Hà Nội để làm các thủ tục cho cuộc phẫu thuật. Nhìn thấy ánh sáng ngay sau ca mổ, rồi lại nghĩ về nghĩa cử cao đẹp của người hiến tặng giác mạc mà mình chưa bao giờ biết mặt, tôi cứ rưng rưng nước mắt… Khi về Kim Sơn, được gặp và trò chuyện với nhiều gia đình có người hiến tặng giác mạc, tôi thêm hiểu và trân trọng tấm lòng cao cả của họ. Nếu không có những con người giàu lòng nhân ái như thế, thì những người bị mù lòa như tôi sẽ không bao giờ có cơ hội nhìn thấy ánh sáng…
Theo bác sỹ Đỗ Như Hơn, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương, hiện nay phẫu thuật ghép giác mạc là phương pháp duy nhất trên thế giới mang lại ánh sáng cho người mù do các bệnh lý giác mạc. Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương, ước tính cả nước có trên 30.000 người mù cần được thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng. Ngay tại Bệnh viện Mắt Trung ương, có gần 1.000 người đăng ký chờ ghép giác mạc và con số này ngày càng tăng theo thời gian.
Bên cạnh đó, mặc dù phẫu thuật ghép giác mạc ở Việt Nam đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, đội ngũ phẫu thuật viên ngày càng đông đảo hơn nhưng do nguồn giác mạc vô cùng khan hiếm, lượng hiến tặng giác mạc thời gian qua mới chỉ đáp ứng được số lượng rất nhỏ so với nhu cầu thực tế nên những năm qua hàng trăm nghìn người bệnh đang phải chấp nhận sống trong cảnh mù lòa, chờ đợi vào nguồn giác mạc duy nhất từ người hiến sau khi qua đời.
Từ nhiều năm trước, công tác tuyên truyền, vận động về hiến tặng giác mạc đã được ngành Y tế phối hợp với các địa phương trong cả nước đẩy mạnh trên nhiều phương diện, hình thức. Tuy nhiên, do đây là hoạt động mới mẻ, quan niệm của người dân còn chưa "thông"… nên việc hiến tặng giác mạc chưa được nhiều người biết đến. Năm 2007, khi bà cụ Nguyễn Thị Hoa (xã Cồn Thoi - Kim Sơn) có tâm nguyện sau khi qua đời được hiến tặng giác mạc, đó thực sự là sự kiện ý nghĩa đối với lĩnh vực nhãn khoa Việt Nam. Từ việc làm nhân ái, ý nghĩa của bà cụ Nguyễn Thị Hoa, phong trào hiến tặng giác mạc ở nhiều địa phương, trong đó có quê hương Kim Sơn của bà cụ đã phát triển sâu rộng.
Ông Đoàn Ngọc Minh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Văn Hải (Kim Sơn) chia sẻ: Những năm trước, vì phong trào hiến tặng giác mạc là phong trào mới nên việc tuyên truyền, vận động còn gặp nhiều khó khăn. ở xã Văn Hải, nơi có tỷ lệ đồng bào có đạo đông, do tập quán, quan niệm từ bao đời nay còn tồn tại trong nếp nghĩ, việc làm của người dân nên không dễ thay đổi. Với lực lượng nòng cốt là các hội viên, tình nguyện viên chữ thập đỏ, các tuyên truyền viên về phong trào đã đến từng gia đình để tuyên truyền, giải thích về việc hiến tặng, các quy định của pháp luật, sự cần thiết phải cứu giúp những người kém may mắn… "Mưa dầm thấm lâu", từ thực tế đã có những người tiên phong trong việc hiến tặng, đăng ký hiến tặng giác mạc từ nhiều địa phương khác, nhiều người dân Văn Hải đã hiểu và có những việc làm thiết thực để hưởng ứng phong trào. Đến nay, trên địa bàn xã đã có hơn 700 người đăng ký hiến tặng giác mạc, 26 người đã hiến tặng giác mạc sau khi qua đời. Xã Văn Hải cũng là địa phương đứng thứ 2 toàn quốc trong phong trào hiến tặng giác mạc.
Đối với huyện Kim Sơn, không chỉ riêng xã Văn Hải duy trì được phong trào hiến tặng giác mạc mà nhiều xã, thị trấn trong huyện đã hưởng ứng phong trào bằng nhiều hoạt động thiết thực. Nét đặc biệt trong phong trào hiến tặng giác mạc ở Kim Sơn đó là phong trào đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền các cấp, các đoàn thể và đông đảo người dân.
Nhiều vị linh mục, chánh trương, trùm trưởng đã quan tâm giới thiệu với bà con trong vùng về ý nghĩa của việc hiến tặng giác mạc, vận động bà con tham gia hiến giác mạc thông qua các buổi giảng kinh, ngày lễ… Hội Chữ thập đỏ huyện và các xã, thị trấn đã xây dựng được mạng lưới cộng tác viên hoạt động năng nổ, nhiệt tình, góp phần đưa nhiều thông tin cần thiết về hiến tặng giác mạc để người dân được biết, được giải đáp. Có những cộng tác viên ngân hàng mắt đã làm việc bất kể ngày đêm, thời tiết mưa rét hay nắng gió để nắm được thông tin về người hiến và thông báo cho ngân hàng mắt. Thông qua hoạt động của đội ngũ tình nguyện viên, cộng tác viên chữ thập đỏ đã góp phần nâng cao nhận thức trong cộng đồng về công tác chăm sóc và bảo vệ đôi mắt cũng như các vấn đề liên quan đến hiến tặng giác mạc, các bệnh lý về giác mạc…
Đến tháng 2-2014, toàn tỉnh đã có 150 người hiến tặng giác mạc, trong đó riêng huyện Kim Sơn đã có 144 người hiến tặng giác mạc, 8.750 người đăng ký hiến tặng giác mạc. Từ điểm sáng trong phong trào hiến tặng giác mạc ở Kim Sơn, nhiều địa phương trong cả nước đã có thêm những người hiến tặng giác mạc, nhân lên phong trào và nghĩa cử cao đẹp vì sức khỏe cộng đồng. Trong 7 năm qua, từ 2007- 2014 cả nước có trên 35.000 người đăng ký hiến tặng giác mạc, trong đó đã có 204 người tại 13 tỉnh, thành phố hiến tặng giác mạc sau khi qua đời. Bệnh viện Mắt Trung ương đã thu nhận và ghép cho hàng trăm bệnh nhân mù lòa do các bệnh lý giác mạc, giúp họ tìm lại ánh sáng.
Đánh giá về phong trào hiến tặng giác mạc, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khi về dự lễ tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của những người hiến tặng giác mạc đã khẳng định: Từ phong trào hiến tặng giác mạc ở Kim Sơn (Ninh Bình) đã khởi nguồn cho một trong phong trào có ý nghĩa nhân văn, nhân đạo sâu sắc khi đem lại ánh sáng cho người khác. Phong trào không chỉ có ý nghĩa về mặt sức khỏe mà còn thể hiện tinh thần "tương thân, tương ái" của dân tộc khi đã có những người đã giành một phần cơ thể của mình sau khi mất đi để đem lại ánh sáng, niềm tin với cuộc sống cho những người mù lòa. Sự hy sinh, những đóng góp vào hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân, đi đầu trong phong trào hiến tặng giác mạc của người dân Kim Sơn (Ninh Bình) là tấm gương sáng cho cả nước học tập, nhân rộng.
Bùi Diệu