Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, theo chủ trương của Trung ương Đảng, ngày 23-1-1960, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã tổ chức trọng thể Lễ kết nghĩa Ninh Bình - Bạc Liêu - Cà Mau và phát động trong toàn tỉnh phong trào thi đua "Vì miền Nam ruột thịt". Sau đó, trên các số báo Ninh Bình ngày ấy đã liên tiếp tuyên truyền và mở chuyên mục "Trên quê hương kết nghĩa" đưa tin về những chiến công của đồng bào, đồng chí ở Cà Mau, Bạc Liêu. Hơn 50 năm, trải qua những năm tháng chiến tranh và thời kỳ xây dựng đất nước, nghĩa tình gắn bó Ninh Bình - Bạc Liêu - Cà Mau vẫn được các thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân 3 tỉnh gìn giữ và phát huy. Cuộc hội ngộ trên quê hương kết nghĩa
Về Cà Mau lần này, tâm trạng của những người làm Báo đất Cố đô lịch sử không khỏi bồi hồi, xúc động. Cách đây hơn 50 năm, vào những năm 60 và đầu những năm 70 của thế kỷ trước, trên các trang của Báo Ninh Bình liên tiếp đưa tin về những chiến công vang dội của đồng bào, đồng chí ở chiến trường miền Nam, trong đó có chiến công của quân và dân Cà Mau, Bạc Liêu.
Chuyên mục "Trên quê hương kết nghĩa" được duy trì đều đặn trên trang 1 và trang 4 của các số Báo, có tác dụng thiết thực động viên quân và dân Ninh Bình cùng với quân và dân toàn miền Bắc thi đua sản xuất và chiến đấu bảo vệ miền Bắc, chi viện sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt theo tinh thần " Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người". Vào thời điểm đó, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, lớp lớp thanh niên Ninh Bình đã hăng hái lên đường tòng quân, vào miền Nam, Cà Mau - Bạc Liêu chiến đấu chống Mỹ cứu nước, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Chuyên mục "Trên quê hương kết nghĩa" được duy trì thường xuyên trên Báo Ninh Bình trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ảnh: P.V Trong đoàn quân "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" ngày ấy có chiến sỹ trẻ Trần Trung Vựng, anh hiện đang công tác tại Báo Ninh Bình. Trở lại Cà Mau lần này, anh mang theo ăm ắp những kỷ niệm về một thời chiến đấu ở chiến trường miền Nam khói lửa, được đồng bào, đồng chí ở chiến khu rừng đước Năm Căn (Cà Mau) chở che, đùm bọc, chia ngọt, sẻ bùi.
Anh Hai Bé, Tổng biên tập cùng các bạn đồng nghiệp Báo Cà Mau đón chúng tôi như những người thân đi xa lâu ngày trở về. Trong niềm vui ngày gặp mặt, chúng tôi bồi hồi nghe câu chuyện của cựu chiến binh Trần Trung Vựng, chiến sỹ đặc công nước rừng đước Cà Mau năm xưa. Lật giở từng trang ký ức, mỗi tên đất, tên người đều gợi nhớ về một thời khói lửa - thời mà máu của nhiều cán bộ, chiến sỹNinh Bình - Cà Mau đã đổ xuống cho quê hương có được những ngày thanh bình như hôm nay.
Mang theo những tấm ảnh đã ố vàng, cựu chiến binh Trần Trung Vựng có tâm nguyện tìm lại những người đồng chí, đồng bào năm xưa ở rừng đước Năm Căn đã từng cưu mang, chở che, đùm bọc anh và đồng đội. Đó là gia đình ông Bảy Hải, quê gốc ở Ninh Bình, là Việt Tiên, cô văn công của đoàn Hương Tràm, năm đó mới tròn 16 tuổi, là anh Minh Đương, người dẫn đầu đoàn văn công bất chấp hiểm nguy vào rừng đước và khu căn cứ biểu diễn động viên, cổ vũ bộ đội đặc công dũng cảm, kiên cường chiến đấu, giành những chiến công vang dội trên khắp các chiến trường.
Với sự giúp đỡ nhiệt tình của các bạn đồng nghiệp Báo Cà Mau, anh Trần Trung Vựng đã kết nối được với chị Việt Tiên và anh Minh Đương, hiện vẫn đang công tác ở Đoàn nghệ thuật của tỉnh Cà Mau.
Sau hơn 40 năm xa cách, chiến sỹ đặc công rừng đước Trần Trung Vựng gặp lại những người bạn một thời gắn bó, ký ức những tháng ngày ở chiến khu rừng đước sống lại như vừa mới hôm qua.
Với Đoàn trưởng Minh Đương, anh lưu giữ rất nhiều kỷ niệm về những người con của vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử. Chia tay anh hẹn, một ngày gần nhất sẽ ra Bắc, về thăm Ninh Bình - quê hương kết nghĩa sâu nặng nghĩa tình.
Lời nhắn gửi từ Đất Mũi
Trong chuyến hành trình về Đất Mũi, chúng tôi được các bạn đồng nghiệp ở Báo Cà Mau đưa đi tham quan một số địa danh nổi tiếng của quê hương kết nghĩa. Nhà báo Phạm Thành Công, một người con của Cà Mau từng theo học trường nội trú Ninh Bình - Cà Mau cùng tham gia hành trình, làm hướng dẫn viên du lịch cho Đoàn.
Ngày đó, trường nội trú Ninh Bình - Cà Mau được thành lập với nhiều thầy giáo người Ninh Bình vào giảng dạy. Nhiều thế hệ học sinh Cà Mau đã theo học tại trường, trưởng thành và đang hoạt động, công tác ở nhiều lĩnh vực của tỉnh. ở Ninh Bình cũng có một số địa danh gắn liền với quê hương kết nghĩa như rạp chiếu bóng Kim Mâu, cầu Cà Mau (Kim Sơn); trường cấp II Gia Khánh đổi tên thành trường cấp II Ninh Bình - Bạc Liêu (nay là Trường THCS Ninh Khánh, thành phố Ninh Bình)...
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước độc lập, thống nhất, thực hiện Nghị quyết 24 của Trung ương về bỏ khu, nhập tỉnh, Ninh Bình hợp nhất với Nam Hà (gồm tỉnh Nam Định và Hà Nam) thành tỉnh Hà - Nam - Ninh, Cà Mau hợp nhất với Bạc Liêu thành tỉnh Minh Hải tiếp tục kết nghĩa với nhau, cùng cả nước xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhiều cán bộ, đồng bào tỉnh Hà - Nam - Ninh được điều động, tăng cường tham gia công tác, xây dựng quê hương mới Minh Hải (nay là Cà Mau, Bạc Liêu), trở thành những cán bộ, công dân của tỉnh. Họ đã góp phần quan trọng vun đắp tình đoàn kết giữa nhân dân 3 tỉnh Ninh Bình - Bạc Liêu - Cà Mau.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện nay có hàng nghìn người con của quê hương Ninh Bình đang sinh sống, làm việc ở Cà Mau. Dù ở đâu, làm bất cứ việc gì, họ luôn hướng về quê hương Ninh Bình với tình cảm thân thương vô bờ bến. Đầu năm 2012, Hội đồng hương Ninh Bình tại Cà Mau đã được thành lập, quy tụ những người con của vùng đất Cố đô lịch sử tham gia sinh hoạt.
Trong chuyến thăm Cà Mau lần này, Đoàn cán bộ, phóng viên Báo Ninh Bình đã ra thăm Đất Mũi, nơi tận cùng của Tổ Quốc. Từ thành phố Cà Mau chạy xe chừng hơn 60 Km, chúng tôi xuống bến đi ca nô cao tốc ra mũi Cà Mau. Ca nô chạy trên sông Cửa Lớn, dọc hai bên bờ sông là những ngôi nhà của nhiều hộ dân sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy, hải sản và buôn bán ven sông. Có những đoạn sông, dọc hai bên bờ bạt ngàn rừng đước và rừng tràm xanh ngắt một màu.
Theo lời kể của các bạn đồng nghiệp ở Báo Cà Mau, rừng đước Năm Căn có một lịch sử đấu tranh cách mạng kiên cường, trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, người dân Đất Mũi vào rừng sâu dựng làng gây dựng phong trào đấu tranh diệt giặc, ăn trái mắm thay cơm, cất nước mặn thành nước ngọt để dùng. Nơi đây cũng là căn cứ ém quân của quân chủ lực, địa phương quân và dân quân du kích. Được nhân dân chở che, đùm bọc và nuôi dưỡng, họ đã dũng cảm chiến đấu lập nhiều chiến công vang dội trên chiến trường.
Mỗi một địa danh đều gắn liền với lịch sử đấu tranh anh dũng của người dân Đất Mũi, đó là Hòn Khoai, Hòn Đá Bạc, là Vàm Lũng, rừng U Minh Hạ, rừng đước Năm Căn... Đến với Cà Mau hôm nay, ngắm nhìn những đổi thay trên mảnh đất một thời khói lửa, chúng tôi càng cảm phục và tự hào về truyền thống đấu tranh quật cường của quân và dân quê hương kết nghĩa anh hùng.
Cà Mau 37 năm sau ngày giải phóng, hôm nay đã trở thành một tỉnh năng động, giàu tiềm năng ở vùng cực Nam của Tổ quốc.
Nhà báo Nguyễn Bé, Tổng biên tập Báo Cà Mau cũng là một người có nhiều tình cảm gắn bó với Ninh Bình. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, anh từng được một chiến sỹ tàu không số là người Ninh Bình dạy học. Hơn 40 năm trôi qua, ký ức về thầy giáo Duyền quê ở Ninh Bình vẫn còn hiện hữu trong anh. Anh nhớ lại thời điểm năm 1968, chú Duyền là xạ thủ 12 ly 7, tham gia đánh trả máy bay định rải chất độc hủy hoại rừng đước Năm Căn. Trận đánh đó chiến sĩ Duyền bị thương, điều trị ở Đoàn 962. Tại đây chú Duyền đã dạy học cho một số học sinh của Cà Mau.
Với những tình cảm đặc biệt với vùng đất và con người Ninh Bình, nhà báo Nguyễn Bé mong muốn 2 Báo Ninh Bình - Cà Mau sẽ là nhịp cầu nối để gắn kết, khơi dậy, phát huy những tình cảm, truyền thống tốt đẹp của 2 tỉnh kết nghĩa Ninh Bình - Cà Mau. Trong công cuộc đổi mới hôm nay, 2 tỉnh nên có những giao lưu, hợp tác để trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế, thu hút đầu tư, phát triển du lịch...
Lời nhắn gửi của Tổng Biên tập Báo Cà Mau Nguyễn Bé cũng là tâm nguyện của rất nhiều cán bộ, nhân dân 2 tỉnh Ninh Bình - Cà Mau. Chiến tranh đã lùi xa vào dĩ vãng, song mối tình kết nghĩa sắt son, bền chặt của Ninh Bình - Bạc Liêu - Cà Mau sẽ mãi mãi bền vững và không ngừng phát triển.
Thu Thủy