Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Ninh An cho biết: Ninh An được chọn là một trong 4 xã của huyện Hoa Lư và là một trong 25 xã của tỉnh làm điểm xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015. Sau gần 5 năm nỗ lực thực hiện, năm 2015, xã được công nhận là xã đạt chuẩn NTM. Để giữ vững và nâng cao tiêu chí thu nhập cho người dân, thời gian qua, Ninh An đã tiếp tục thực hiện quy hoạch vùng sản xuất; tích cực tuyên truyền, vận động bà con nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phấn đấu mở rộng sản xuất theo hướng hàng hóa, từng bước nâng cao chất lượng đời sống vật chất cho nhân dân. Sau khi dồn điền đổi thửa, hiện mỗi hộ gia đình ở Ninh An chỉ còn 1-2 thửa ruộng. Năng suất lúa vụ đông xuân đạt trên 69 tạ/ha, vụ mùa đạt 56,6 tạ/ha, tổng sản lượng lương thực cả năm đạt gần 4 nghìn tấn. Giá trị trên ha canh tác đạt 86 triệu đồng/ha/năm. Ngoài việc duy trì và mở rộng diện tích các vùng trồng lúa có giá trị kinh tế cao, xã Ninh An đã thực hiện quy hoạch 17 ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang phát triển các mô hình kinh tế trang trại, gia trại. Đồng thời chỉ đạo các hội, đoàn thể phối hợp với Trạm khuyến nông tổ chức các lớp tập huấn về chăn nuôi, cách phòng trừ dịch bệnh cho vật nuôi. Hàng năm có trên 80% số hộ gia đình làm nông nghiệp tham gia các lớp tập huấn và phổ biến các tiến bộ KHKT về sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Bên cạnh đó, các hội, đoàn thể trên địa bàn xã tạo điều kiện để người dân tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư cho sản xuất, chăn nuôi. Đến nay, dư nợ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội là trên 13 tỷ đồng cho gần 600 hộ gia đình vay phát triển sản xuất. Từ đó, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, mở rộng mô hình chăn nuôi cho thu nhập cao như mô hình nuôi lợn nái, gà thả vườn, trồng nấm... Hiện toàn xã có 5 mô hình kinh tế trang trại, gia trại có thu nhập bình quân hàng năm đạt từ trên 150-300 triệu đồng/hộ/năm; trên 200 mô hình kinh tế cho thu nhập từ 50-100 triệu đồng/năm.
Không chỉ quan tâm phát triển về nông nghiệp, trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, xã Ninh An đã tạo mọi điều kiện về mặt bằng, thủ tục hành chính và thu hút được 130 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư hoạt động trên các lĩnh vực may mặc, xây dựng, thủ công mỹ nghệ, mộc, đá mỹ nghệ…, giải quyết việc làm ổn định cho trên 1.000 lao động với mức thu nhập bình quân từ 3,5-4 triệu đồng/tháng. Tiêu biểu như Công ty may Đông Thịnh Hưng, được chính quyền địa phương tạo điều kiện về đất đai, năm 2012, công ty đầu tư xây dựng nhà xưởng, trang thiết bị máy móc phát triển nghề may công nghiệp. Đến nay, sau gần 5 năm hoạt động, công ty đã có 3 dây chuyền may công nghiệp tương đối hiện đại, giải quyết việc làm ổn định cho gần 200 công nhân lao động, trong đó chủ yếu là con em địa phương với mức lương gần 5 triệu đồng/người/tháng và hưởng đầy đủ các chế độ cho người lao động.
Với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển kinh tế, đến nay thu nhập bình quân của người dân xã Ninh An đạt 32,5 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 4,62% (theo tiêu chí mới). Đời sống vật chất ổn định, đời sống tinh thần của nhân dân được quan tâm. Xã có các CLB chèo, múa lân, nhiều hoạt động văn hóa thể thao được duy trì và phát triển; tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa đạt trên 93%...
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Ninh An cho biết thêm: Để giữ vững và từng bước nâng cao tiêu chí thu nhập, xã Ninh An tập trung phát triển nông nghiệp, chăn nuôi theo hướng hàng hóa, mở rộng cánh đồng mẫu lớn, trồng cây cho giá trị kinh tế cao; chăn nuôi theo hướng gia trại nhưng phải đảm bảo vệ sinh môi trường, khuyến khích nhân dân đầu tư nuôi con đặc sản; mở rộng sản xuất TTCN, dịch vụ; vận động nhân dân chủ động tìm kiếm việc làm, trong đó có xuất khẩu lao động; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân vào đầu tư phát triển tại địa phương nhằm tạo việc làm và thu nhập nâng cao đời sống nhân dân.
Bài, ảnh: Hạnh Chi