Năm 2019, các Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô thuộc Tập đoàn ô tô Thành Công tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cấp dây chuyền máy móc thiết bị hiện đại để tăng công suất, do đó sản lượng sản xuất ước đạt 70.558 xe ô tô, tăng 25% so với năm 2018, ước đạt 128% so với kế hoạch, nộp ngân sách hơn 9.000 tỷ đồng. Tính riêng trong tháng 1 năm nay, doanh thu của Nhà máy ước đạt 1.821 tỷ đồng, tăng 36,8%, góp phần làm tăng doanh thu của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tháng 1 đạt 5.010 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ.
Sự thành công của ngành công nghiệp ô tô đã tạo hiệu ứng thu hút các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cho lĩnh vực này ngày càng phát triển tại Ninh Bình.
Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến cuối năm 2019, toàn tỉnh đã thu hút được 9 dự án đầu tư vào sản xuất linh kiện, thiết bị, phụ tùng phục vụ cho sản xuất, lắp ráp ôtô và đạt hiệu quả tốt như: Công ty TNHH ADM21 Việt Nam với năng lực sản xuất 20 triệu chiếc cần gạt nước ôtô/năm, toàn bộ sản phẩm của Công ty được xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Mỹ, Pháp; Công ty TNHH Sejung Việt Nam chuyên sản xuất ống xả có tổng vốn đầu tư 443,4 tỷ đồng, công suất thiết kế 570.500 sản phẩm/năm; Nhà máy sản xuất camera mô đun và linh kiện điện tử của Công ty TNHH MCNEX VINA, vốn đầu tư 1.932,67 tỷ đồng...
Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 7 dự án đầu tư nước ngoài, nâng tổng số dự án về lĩnh vực công nghiệp phụ trợ lên 19 dự án, trong đó có 9 dự án công nghiệp hỗ trợ của ngành công nghiệp ô tô.
Đánh giá về sự phát triển của ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất, lắp ráp ô tô, ông Trần Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Những năm qua, để phát triển công nghiệp, tỉnh Ninh Bình đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất.
Nhờ đó, tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2019 đạt 71.830 tỷ đồng, tăng 24,46% so với cùng kỳ năm 2018, vượt 25,81% kế hoạch. Trong đó giá trị sản xuất công nghiệp của sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chiếm gần 20% tổng giá trị sản xuất công nghệp của tỉnh, giải quyết việc làm cho gần 7.000 lao động của địa phương. Hiện nay, tỉnh tăng cường thu hút đầu tư, nhất là đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, cơ khí, dệt may và linh kiện điện tử.
Ông Trần Duy Tuấn cũng cho biết: Trên cơ sở những chính sách ưu đãi của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương đối với ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung và ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất, lắp ráp ô tô nói riêng, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Ninh Bình đến năm 2025 và về Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Qua đó, tạo điều kiện cho thương nhân đầu tư cơ sở hạ tầng công nghiệp và thương mại hiện đại trên địa bàn, góp phần thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ đầu tư, mở rộng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ như: Sản xuất linh kiện điện tử; sản xuất một số thiết bị, phụ tùng cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô; sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành may mặc, sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng của tỉnh.
Từ thực trạng và điều kiện phát triển công nghiệp của địa phương, trong thời gian tới tỉnh Ninh Bình xác định định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ đó là: Tập trung phát triển một số sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho sản xuất, lắp ráp ô tô, công nghiệp điện tử, chế biến nông sản thực phẩm, may mặc, giày dép.
Trước mắt, tập trung tối đa để thu hút hỗ trợ, ưu đãi cho cho dự án sản xuất, lắp ráp ô tô và sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô để phục vụ cho dự án Nhà máy sản xuất ô tô Hyundai Thành Công tại Khu công nghiệp Gián khẩu, các nhà máy trong nước và khu vực.
Chính vì vậy, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách khuyến khích ưu đãi, hỗ trợ đối với công nghiệp hỗ trợ của Trung ương và địa phương; triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển công nghiệp, chương trình phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp, trong đó có công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô.
Tỉnh cũng đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư FDI vào phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nghiên cứu, ban hành cơ chế đặc thù để hỗ trợ trực tiếp cho các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp của tỉnh. Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ; mở rộng liên kết đào tạo trong nước với đào tạo nước ngoài.
Cùng với đó, tỉnh sẽ khuyến khích doanh nghiệp trong tỉnh mở rộng liên kết, hợp tác trong hoạt động sản xuất, kinh doanh với các đối tác trong và ngoài nước có quy mô lớn, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Trước mắt tập trung vào các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... là những nước có ngành công nghiệp ô tô phát triển để tạo nguồn lực đủ lớn về vốn đầu tư, đồng thời tận dụng các cơ hội chuyển giao, đổi mới công nghệ, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm