Trở về từ cuộc chiến với mảnh đạn găm trong đầu, khiến hình ảnh về những cuộc hành quân, những trận đánh lịch sử, những người đồng đội vào sinh ra tử… không còn đọng lại nhiều trong ký ức của thương binh già Trần Quốc Ngữ, xã Sơn Thành, huyện Nho Quan. Ông Ngữ chỉ nhớ và nhớ rất rõ về những thế hệ y, bác sĩ đã chăm sóc mình suốt 49 năm qua tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan (gọi tắt là Trung tâm)
Rồi chậm rãi nhưng rành rọt, ông Ngữ kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống gần 50 năm qua của ông tại Trung tâm: Sau khi bị thương nặng, tôi được đưa vào Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan. Khi ấy, tôi thực sự như một tờ… giấy trắng. Mọi ký ức về gia đình, quê hương, đồng đội… dường như bị xóa sạch.
Sau một thời gian được tích cực điều trị, vết thương ở sọ não đã hồi phục dần và đó cũng là thời điểm tôi và các y, bác sĩ khởi đầu hành trình đi tìm lại ký ức cho tôi. Hành trình ấy lắm gian nan và cũng dễ gây cho những người trong cuộc sự tuyệt vọng, nản lòng.
Nhưng rồi, với sự động viên, chăm sóc và điều trị tích cực của các thế hệ y, bác sĩ, ông đã tìm lại được phần nào ký ức. Ông nhận ra người thân, ông nhớ ra được vùng quê nơi "chôn nhau cắt rốn" dù rằng đó chỉ là những miếng ghép không tròn trịa.
Nhưng với ông Ngữ, chỉ thế thôi cũng đủ hạnh phúc rồi. Ông chỉ cần nhớ, ông đã có một tuổi trẻ đầy nhiệt huyết và sống có lý tưởng. Sức khỏe ổn định, ông Ngữ lập gia đình rồi lần lượt sinh 5 người con. Những lúc khỏe mạnh, ông Ngữ lại về thăm gia đình riêng của mình, nhưng tâm nguyện của ông vẫn là được sống ở Trung tâm, cạnh những người đồng đội, trong vòng tay chăm sóc của các y, bác sĩ cho đến cuối cuộc đời.
Kể về hành trình đi tìm lại ký ức, bao giờ cũng là khoảnh khắc mà thương binh 1/4- "liệt sỹ sống" Trần Đình Hòe xúc động nhất. Ông Hòe xúc động bởi ông không dám nghĩ có ngày tìm lại được nguồn cội khi đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm. Trước đây, bệnh thần kinh của ông rất nặng, đôi lúc tỉnh táo, ông chỉ ước được biết mình là ai, người thân của mình ở đâu, còn hay đã mất ?
Nhưng những thông tin ông cung cấp lúc tỉnh táo ấy không đủ chính xác để cán bộ Trung tâm giúp ông tìm được người thân. Thật may mắn, sau nhiều năm điều trị tích cực, bệnh của ông đã gần bình phục. Ông đã tìm thấy hạnh phúc của riêng mình với người vợ tảo tần và những đứa con ngoan. Viên mãn trong hạnh phúc gia đình, cùng với sự tận tình của bác sĩ, ký ức trở lại với ông Hòe.
Ông đã nhớ chính xác được địa chỉ của gia đình rồi nhờ Trung tâm liên hệ giúp. Ngày ông Hòe trở về cha mẹ ông không còn, nhưng vẫn còn đó nếp nhà xưa, may mắn còn cậu ruột cũng đã ngoài 90 tuổi. Ông Hòe kể, khi bước vào nhà, nhìn bàn thờ tổ tiên thì có cả… ảnh của ông trên đó. Với gia đình ông, ông đã hy sinh từ lâu lắm rồi mà vẫn chưa tìm thấy hài cốt. "Cậu tôi kể lại rằng, biết bao nhiêu năm, bố mẹ tôi tìm kiếm hài cốt của tôi mà không có kết quả. Nay tôi đã được trở về đây với gia đình, tuy cuộc hội ngộ có muộn màng, song chắc hẳn ở cõi vô thường, cha mẹ tôi cũng ấm lòng"- ông Hòe xúc động.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan tâm sự, hầu hết, các thương, bệnh binh điều dưỡng tại Trung tâm đều bị tâm thần nặng, hồ sơ lại bị mất. Bởi vậy, mà ký ức về bản thân, gia đình, quê quán đã không còn, hoặc nếu còn thì cũng không trọn vẹn.
Tiếp xúc nhiều với bệnh nhân, chúng tôi hiểu nỗi niềm đau đáu của bệnh nhân đó là tìm về nguồn cội. Vậy nên, tuy không có chức năng tìm kiếm thân nhân, gia đình các thương, bệnh binh, song những năm qua, chúng tôi vẫn luôn nỗ lực giúp các bệnh nhân tìm kiếm thông tin về thân nhân qua các kênh hiệu quả, như tích cực lấy thông tin từ bệnh nhân, gửi danh sách các thương, bệnh binh đến Cục chính sách, Tổng Cục chính trị, Bộ Quốc phòng và Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh, thành phố;
Đồng thời, chúng tôi cũng nhắn tìm thân nhân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua mỗi tổ chức, cá nhân đến thăm Trung tâm. Sau nhiều năm tìm kiếm, đến nay, hầu hết những thương, bệnh binh ở đây đã tìm được gia đình, người thân. Tuy nhiên, việc tìm kiếm thân nhân cho các thương, bệnh binh đã mất thì khó khăn hơn rất nhiều. Hiện nay, vẫn còn 50 ngôi mộ của thương, bệnh binh đã mất chưa xác định được thân nhân vẫn do Trung tâm thờ cúng.
Bài, ảnh: Đào Hằng