Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Cộng, Giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng Xuân Hòa cho biết: Thời gian qua, Công ty đã đầu tư trên 30 tỷ đồng mở rộng sản xuất, kinh doanh như xây dựng Nhà máy gạch Phú Sơn, Khu tắm ngâm nước khoáng Cúc Phương... Hàng năm doanh thu đạt từ 15 - 20 tỷ đồng, đảm bảo việc làm ổn định cho trên 300 lao động với mức thu nhập từ 1,5 - 1,8 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh việc đầu tư mở rộng sản xuất, doanh nghiệp còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, ủng hộ đồng bào lũ lụt, thiên tai với tổng số tiền mỗi năm từ 30 - 50 triệu đồng.
Chuyển gạch vào lò nung ở Nhà máy gạch Gia Tường. Ảnh: Minh Quang
Đồng chí Trương Văn Tế, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết: Hiện nay, toàn huyện có 60 doanh nghiệp (DN), trong đó 16 DN có doanh thu trên 5 tỷ đồng/năm, chiếm 27% và 32 DN doanh thu đạt từ 1 - 5 tỷ đồng/năm, chiếm 53%. Tổng số vốn các doanh nghiệp đầu tư vào huyện lên tới hàng trăm tỷ đồng. Mỗi năm các doanh nghiệp đã cung cấp cho xã hội một khối lượng lớn hàng hóa với tổng giá trị 178,5 tỷ đồng, chiếm 15% giá trị sản xuất toàn huyện; nộp ngân sách Nhà nước gần 2 tỷ đồng, chiếm 6% số thu thuế trên địa bàn huyện. Sản xuất, kinh doanh phát triển, các DN đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho gần 4.000 lao động; trong đó Công ty Đầu tư xây dựng Xuân Hòa giải quyết việc làm cho trên 300 lao động, nhà máy gạch Gia Tường 200 lao động, Công ty TNHH Ngọc Long 100 lao động... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng còn bộc lộ những hạn chế là sự phát triển của các doanh nghiệp cả về số lượng, chất lượng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của huyện.
Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của huyện, các doanh nghiệp tiếp tục quan tâm đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của huyện như: Sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác du lịch - dịch vụ, phát triển các mô hình trang trại chăn nuôi, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đổi mới phương thức quản lý, tích cực áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nhằm giảm chi phí, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Chủ động liên doanh liên kết với các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước để mở rộng quy mô sản xuất, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Quan tâm đào tạo và sử dụng nhiều lao động của địa phương, nhất là lao động ở những nơi bị thu hồi đất để thực hiện các dự án, góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.
Trong điều kiện hội nhập sâu với kinh tế quốc tế, để ổn định và từng bước phát triển, các doanh nghiệp cần xây dựng một chiến lược kinh doanh cụ thể. Đặc biệt quan tâm, chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực, có chính sách thỏa đáng đối với đội ngũ thợ giỏi có tay nghề cao và đảm bảo các chế độ, chính sách, lợi ích của người lao động nhằm thu hút người tài, lao động giỏi ở lại làm việc cho doanh nghiệp. Đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử vào sản xuất, kinh doanh..., góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở địa phương.
Thanh Chiên