Đồng chí Trịnh Đức Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết: Địa bàn huyện đã hình thành rõ rệt 3 vùng phát triển kinh tế, đó là: Vùng đồi núi trồng rừng, cây công nghiệp, cây ăn quả; chăn nuôi đại gia súc, hươu, dê, ong. Vùng đồng chiêm trũng sẽ thâm canh lúa vụ đông xuân, diện tích cấy lúa vụ mùa kém hiệu quả chuyển sang canh tác lúa - cá; chuyên nuôi thủy sản, chăn nuôi thủy cầm. Vùng bán sơn địa cấy lúa, kết hợp trồng rau, củ, quả các loại; đa dạng con nuôi.
Với 3 vùng sản xuất chuyên canh, huyện đã tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị, gắn với việc phát triển các nhóm cây trồng chủ lực theo lợi thế của từng địa phương, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, sản phẩm an toàn. Tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong các khâu sản xuất, đặc biệt là giống, kỹ thuật thâm canh, cơ giới hóa khâu làm đất, thu hoạch sản phẩm.
Đến nay, nhiều mô hình đã được triển khai áp dụng đem lại hiệu quả cao như: Mô hình áp dụng kỹ thuật gieo thẳng, áp dụng giống lúa kháng bệnh bạc lá (TH 3-7, Nếp 97); mô hình tưới tiết kiệm trên cây ăn quả, cây dược liệu; áp dụng cơ giới hóa khâu làm đất, bón phân, thu hoạch... Đến năm 2017, cơ bản diện tích đất cấy lúa đã được làm đất bằng máy; diện tích lúa thu hoạch bằng máy gặt đập liên hoàn đạt 90%, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác, giảm áp lực lao động.
Các vùng chuyên canh các nhóm cây trồng theo lợi thế của từng vùng, từng địa phương được hình thành, điển hình như: Vùng chuyên canh cây sắn với tổng diện tích khoảng 700ha; vùng chuyên canh cây mía khoảng 885ha, tập trung ở xã Kỳ Phú, Phú Long, Cúc Phương; vùng chuyên canh cây dứa khoảng 400 ha, tập trung xã Phú Long; vùng trồng lúa đặc sản (nếp hạt Cau) tập trung ở xã Kỳ Phú, Văn Phú, Sơn Thành, Sơn Lai với diện tích khoảng 200ha; vùng chuyên canh cây dược liệu tập trung ở xã Cúc Phương, Văn Phương, Gia Lâm, trồng nghệ vàng ở xã Đồng Phong, Văn Phong, Quảng Lạc, Quỳnh Lưu, Sơn Lai, cây trạch tả tại xã Thanh Lạc; cây măng tây tại xã Văn Phong; vùng trồng khoai sọ tập trung ở xã Yên Quang, Đồng Phong, Văn Phương; trồng bưởi ở Phú Long, Xích Thổ, Gia Sơn, cây trám đen ở Kỳ Phú...
Cùng với việc hình thành các vùng chuyên canh cây trồng, huyện Nho Quan xác định giảm dần diện tích cấy lúa kém hiệu quả để chuyển sang thâm canh lúa - cá ở vùng trũng, nhất là các xã có lợi thế trồng cây dược liệu, cây ăn quả ở vùng cao như: mô hình trồng ổi, cam tại xã Đồng Phong, trồng dưa chuột tại xã Sơn Lai, trồng đào tại xã Gia Lâm... Đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao như cây ăn quả, rau củ các loại, cây công nghiệp, cây làm thức ăn chăn nuôi.
Huyện cũng đã chỉ đạo các địa phương tăng cường liên kết đối với sản phẩm lợi thế, gắn với thị trường tiêu thụ và hiệu quả kinh tế bền vững, đồng thời tích cực, chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan tháo gỡ khó khăn khi có vướng mắc đối với các hợp đồng kinh tế, do đó đã hình thành các vùng sản xuất dứa, mía, ớt xuất khẩu, dưa, bí đỏ... Bên cạnh đó, công tác dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng hoàn thành, tạo điều kiện xây dựng mô hình cánh đồng lớn, cơ giới hóa trong sản xuất.
Đi đôi với việc hình thành các vùng chuyên canh cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, huyện đã đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại. UBND huyện đã phối hợp với các cơ quan có liên quan hoàn thiện việc cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm: Khoai sọ ở Yên Quang, khoai lang Hoàng Long, mật ong Cúc Phương, hiện nay đang xúc tiến đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm nhung hươu Cúc Phương.
Để ngành nông nghiệp phát triển bền vững, theo hướng sản xuất hàng hóa, thời gian tới, huyện Nho Quan tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, dự báo thị trường, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản, đồng thời đầu tư, hỗ trợ các chương trình, mô hình, kế hoạch sản xuất, nhất là phát triển các cây, con chủ lực có thế mạnh của huyện mang tính lâu dài, bền vững.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm