Để cuộc vận động nhanh chóng đi vào cuộc sống, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện đã tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở kiện toàn Ban chỉ đạo cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư". Mỗi khu dân cư (KDC) thành lập 1 Ban vận động do đồng chí Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận làm trưởng ban. Ban chỉ đạo cuộc vận động của huyện đã chọn 3 KDC: Thôn Yên Ninh (Yên Quang), thôn Đồng Bông (Quảng Lạc), thôn Đá Thượng (Lạng Phong) làm điểm để rút kinh nghiệm.
2 tháng sau khi triển khai cuộc vận động (tháng 10-1995), toàn huyện đã có 275/275 khu dân cư thành lập được Ban vận động và triển khai tổ chức thực hiện các nội dung của cuộc vận động.
Nét nổi bật trong việc thực hiện cuộc vận động ở địa phương là đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Đến đầu năm 2010, năng suất lúa bình quân chung của huyện đạt 51,44 tạ/ha, giá trị bình quân trên diện tích canh tác đạt 35,3 triệu đồng/ha/năm, giá trị thu nhập bình quân đầu người một năm đạt 7,24 triệu đồng. Cùng với đó, các Ban công tác Mặt trận ở KDC nắm vững hoàn cảnh từng hộ nghèo để có kế hoạch vận động nhân dân giúp đỡ vật tư, giống con nuôi, cây trồng, kinh nghiệm sản xuất, ngày công lao động…, tạo điều kiện giúp 8.027 lượt hộ vươn lênthoát nghèo, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 32,3% năm 1995 xuống còn 9,77% vào cuối năm 2009. Tỷ lệ hộ khá, giàu hàng năm đều tăng, đến nay số hộ giàu là 4.282 hộ, hộ khá 11.645.
Phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", người dân trong huyện còn tích cực đóng góp xây dựng quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" để giúp đỡ các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Từ năm 2000 đến 2010, huyện đã huy động được trong nhân dân gần 1,5 tỷ đồng xây dựng quỹ "Vì người nghèo". Từ nguồn quỹ này, đã giúp đỡ gia đình nghèo, gia đình chính sách xây mới, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ phát triển sản xuất, cứu trợ khó khăn đột xuất... Nhờ đó, đã tạo điều kiện để 2.629 hộ gia đình chính sách, người có công có mức sống cao hơn mức sống trung bình ở KDC.
Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, MTTQ cùng các tổ chức thành viên hướng dẫn Ban công tác Mặt trận các khu dân cư tổ chức cho nhân dân học tập, xây dựng quy ước thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Đến nay, nhiều KDC thực hiện không tiếp thuốc lá trong đám cưới, đám tang, lễ hội, hội nghị, tiêu biểu như: thôn Tiền Phương 1, Tiền Phương 2 (xã Văn Phương), thôn Mèn (xã Thanh Lạc), Đầm Bái (xã Gia Tường)… Việc đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, KDC tiên tiến, làng văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa được quan tâm. Đến năm 2010, toàn huyện đã có hơn 30 nghìn hộ gia đình văn hóa, đạt 84,3%; 216/286 KDC tiên tiến, đạt 91,25%; 139/286 làng văn hóa, đạt 49%... Phong trào xã hội hóa giáo dục, công tác khuyến học, khuyến tài ngày càng phát triển. Đến nay, toàn huyện đã có 52% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ đến trường, 93,4% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo tới lớp, 100% trẻ em 6 tuổi vào lớp 1. Công tác xây dựng trường chuẩn Quốc gia được đẩy mạnh, đến nay đã có 51,9% trường THCS và 44,4% trường Mầm non đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1; 100% trường Tiểu học đạt chuẩn trong đó có 1 trường Tiểu học đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2.
Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm, mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở được củng cố. Đến nay đã có 19/27 trạm y tế xã có bác sĩ, 100% xã, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Trên địa bàn huyện không xảy ra dịch bệnh nghiêm trọng, gần 100% trẻ em trong độ tuổi được tiêm phòng, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm từ 28% năm 1995 xuống còn 19,8% năm 2009, tỷ lệ sinh thô hàng năm giảm bình quân 0,03%, hạn chế số người sinh con thứ 3 trở lên, chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình ngày càng hiệu quả hơn. Những xã có phong trào tốt như: Yên Quang, Đồng Phong, Văn Phương, Gia Tường, thị trấn Nho Quan…
Có thể khẳng định, cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" ở huyện Nho Quan đã đi vào nền nếp, phát huy được sức mạnh của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện. Cuộc vận động không chỉ nâng cao chất lượng đời sống văn hóa mà còn tạo động lực mạnh mẽ trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Bộ mặt nông thôn của huyện Nho Quan đã dần được đổi mới. Đặc biệt, ý thức của người dân được nâng cao trong việc gìn giữ và phát huy những nét văn hóa bản sắc dân tộc, góp phần xây dựng huyện Nho Quan ngày một phát triển vững mạnh.
Thu Hằng