Tham gia lớp học nghề xây dựng vừa được tổ chức tại xã Sơn Hà (Nho Quan) là những lao động nông thôn chưa có nghề nghiệp ổn định, nguồn thu nhập bấp bênh. Anh Vũ Văn Lực, học viên lớp học cho biết: Gia đình tôi có 4 người nhưng thu nhập chỉ trông vào mấy sào ruộng nên hàng năm có chăm chỉ quay vòng đất cũng chỉ đủ ăn, có năm hạn hán, lũ lụt mất mùa, vào dịp giáp hạt thường thiếu đói. Vài năm gần đây, khi các con đã bước vào học cấp một, cấp hai thì chi phí tốn kém hơn rất nhiều. Hiện ngoài làm ruộng, gia đình tôi chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm, nhưng tôi vẫn mong có một nghề "chắc tay" để ổn định cuộc sống. Nay xã phối hợp mở lớp học nghề xây dựng, tôi đăng ký tham gia và hy vọng sau vài tháng có tay nghề vững, tự làm được nghề và có thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống.
Sơn Hà là xã thuần nông, người dân sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên thu nhập rất thấp và bấp bênh. Do đó, việc dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn luôn là bài toán nan giải đối với cấp ủy, chính quyền trong xã. Theo ông Phạm Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hà: Các lớp dạy nghề mở tại xã có ý nghĩa quan trọng trong giải quyết vấn đề lao động và việc làm tại địa phương. Thực tế trong những năm gần đây, nghề xây dựng đang phát triển rất mạnh, trung bình một ngày công cũng đạt từ 150-200 nghìn đồng. Do vậy, khi có thông báo mở lớp học nghề xây dựng, người dân xã Sơn Hà đăng ký tham gia rất đông, ai cũng có ý thức học tập tốt để nắm bắt những kiến thức cơ bản, mong muốn sau khi học xong sẽ có việc làm, có thu nhập. Qua một vài năm xã phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề tại địa phương cho lao động nông thôn, chúng tôi nhận thấy, hầu hết các lớp học nghề phù hợp với lao động trong xã vì không cần trình độ cao, đi học lại có phụ cấp. Sau đào tạo, các lao động đều có thể vận dụng kiến thức được học vào thực tiễn, có thu nhập, góp phần cùng địa phương xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Được sự quan tâm của huyện Nho Quan, hàng năm, các tổ chức, đoàn thể trong xã đều phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề phù hợp với lao động địa phương và phù hợp với nhu cầu thực tế của xã hội, như các lớp dạy nghề xây dựng, nghề mộc, nghề trồng rau, chăn nuôi… Sau lớp học, tỷ lệ tham gia và trụ vững với nghề chiếm trên 70%.
Ông Bùi Văn Đỉnh, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Nho Quan cho biết: Để công tác đào tạo nghề sát với nhu cầu của lao động nông thôn, ngay từ đầu năm, huyện Nho Quan đã chỉ đạo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dạy nghề huyện lên kế hoạch cụ thể, thông báo kế hoạch tuyển sinh về các xã, khuyến khích các xã tham mưu, đề xuất các ngành, nghề đào tạo. Trên cơ sở đó, lựa chọn các ngành, nghề đang có xu hướng phát triển mạnh, có thể thu hút lao động sau đào tạo. Cùng với đó, để hoạt động dạy nghề mang lại hiệu quả thiết thực, các tổ chức hội, đoàn thể, các địa phương cũng tăng cường công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức để người lao động trên địa bàn huyện nắm được tầm quan trọng của công tác dạy nghề, hiểu được các chính sách về dạy nghề, nhất là chính sách ưu đãi cho người lao động trong dạy nghề nông thôn.
Đồng thời, phối hợp với các cơ sở dạy nghề có uy tín để dạy và giới thiệu những cơ hội việc làm sau khi học nghề. Từ đó, người lao động sẽ căn cứ vào điều kiện của bản thân, đặc điểm của địa phương và ngành nghề truyền thống để chủ động lựa chọn nghề học. Với nhiều giải pháp cụ thể, sát với tình hình thực tế của từng địa phương, từ đầu năm tới nay, Nho Quan đã tổ chức được 9 lớp dạy nghề cho gần 300 lao động nông thôn các nghề xây dựng dân dụng, mộc dân dụng, đính hạt cườm xuất khẩu…
Với sự chỉ đạo tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, các địa phương và sự cố gắng quyết tâm học nghề và duy trì nghề của người dân trên địa bàn huyện sẽ là tiền đề quan trọng để huyện Nho Quan thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, hoàn thành tiêu chí lao động - việc làm trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới…
Hạnh Chi