Các địa phương trong huyện đã chủ động xây dựng hương ước, quy ước thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn và phát huy thuần phong mỹ tục, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.Quán triệt Kết luận số 51 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 27-CT/T.Ư "Về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội", 5 năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện Nho Quan đã triển khai nghiêm túc, kịp thời các quy định về thực hiện nếp sống văn minh đến các tầng lớp nhân dân. Trong đó đã chỉ đạo Phòng Văn hóa-Thông tin phối hợp với Phòng Tư pháp hướng dẫn các xã xây dựng và sửa đổi quy ước, hương ước thôn, bản phù hợp với tiêu chí xây dựng nông thôn mới; hướng dẫn một số xã xây dựng quy định mẫu về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để nhân ra diện rộng. Đồng thời đưa nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội vào tiêu chuẩn bình xét các danh hiệu như: Gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa, làng văn hóa, đơn vị văn hóa…
Đối với việc cưới, huyện đã tập trung xây dựng mô hình đám cưới điểm tại nhà văn hóa thôn, xóm, phố do các đoàn thể đứng ra tổ chức. Đặc biệt phát huy vai trò của Đoàn thanh niên trong việc chủ động xây dựng chương trình tổ chức đám cưới "văn minh, tiết kiệm" để các đại biểu đến dự chia vui và rút kinh nghiệm. 5 năm qua, trên địa bàn huyện có 1.526 đám cưới tổ chức theo nếp sống mới, đó là tổ chức tiệc trà, bánh kẹo; không tiếp thuốc lá, không mở loa đài quá 22 giờ đêm và trước 5 giờ sáng; tiệc mặn chỉ tổ chức gọn nhẹ trong anh em nội tộc và bạn bè thân thiết. Tất cả các đám cưới đều được tổ chức trang trọng, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, đúng quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, phù hợp với tập quán, truyền thống văn hóa của địa phương và hoàn cảnh mỗi gia đình.
Đối với việc tang, đã cơ bản khắc phục được tình trạng tổ chức tang lễ rườm rà, kéo dài nhiều ngày, ăn uống tràn lan. Khi gia đình có đám tang, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của xã và khu dân cư cùng bà con làng xóm giúp đỡ gia đình tổ chức tang lễ chu đáo, tiết kiệm; nhiều nơi vẫn giữ phong tục "bò gạo tình nghĩa" mỗi hộ gia đình khi đến dự lễ tang mang theo 1 bò gạo và 5.000 đồng để giúp đỡ gia đình tang chủ. Các hủ tục lạc hậu trong tang lễ đã được loại bỏ.
Theo thống kê, toàn huyện Nho Quan một năm có khoảng 27 lễ hội, hầu hết các lễ hội được diễn ra vào đầu xuân và đều được tổ chức theo hướng xã hội hóa cao. Ban quản lý di tích đã tham mưu giúp cấp ủy và chính quyền tổ chức các lễ hội theo nghi lễ truyền thống của dân tộc, trong các lễ hội phần rước, tế, lễ, dâng hương diễn ra trang trọng, nghiêm túc, tiêu biểu như lễ hội: Đền Sầy (xã Sơn Thành), Phủ Đồi Ngang (xã Phú Long), Đình Mỹ Hạ (xã Gia Thủy), lễ Vu Lan (chùa Hồng An, thị trấn Nho Quan), lễ giáng sinh (giáo xứ An Ngải, Quảng Lạc)…
Hoạt động lễ hội đã chú trọng phát triển hài hòa cả phần lễ và phần hội, nhiều nghi thức lễ hội truyền thống được phục dựng góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Các trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật như: biểu diễn trống hội, vật, chọi gà, cờ tướng, cờ người, hát chèo, viết thư pháp… được tổ chức chu đáo. Thông qua các hoạt động lễ hội phong phú đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân địa phương và du khách đến tham quan, dâng hương.
Bên cạnh đó, công tác an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, đảm bảo an toàn giao thông trong lễ hội luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo thông qua việc thành lập tiểu ban an ninh trật tự, tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên, ngăn chặn kịp thời các hoạt động mê tín dị đoan, các hành vi trộm cắp, lừa đảo, trá hình qua các trò chơi cá cược, đánh bạc.
Để việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội có sức lan tỏa mạnh hơn, trong thời gian tới, huyện Nho Quan tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hương ước, quy ước làng xóm về nếp sống văn hóa nông thôn, tập trung vào việc cưới, việc tang và lễ hội; kiên quyết loại trừ các hoạt động mê tín dị đoan, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển.
Bài, ảnh: Quốc Khang