Nhạc sỹ Hạnh Nhân tên đầy đủ là Phạm Hạnh Nhân quê tại xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh, một trong những cái nôi của nghệ thuật chèo Ninh Bình. Hạnh Nhân tốt nghiệp sáng tác tân nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia, từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, làm trong cơ quan tuyên huấn, sau xuất ngũ về đoàn chèo Sông Vân, đoàn chèo Hà Nam Ninh, đoàn chèo Hà Nội, hiện đảm nhiệm cương vị Phó Trưởng khoa Kịch hát dân tộc, Trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh…
Vốn đam mê nghệ thuật truyền thống, Hạnh Nhân đã tự trang bị cho mình những vốn liếng về các loại nhạc cụ dân tộc và trở thành một trong không nhiều các nhạc sỹ tinh thông âm luật của cổ nhạc. Ông đến với âm nhạc khởi đầu bằng tân nhạc nhưng có duyên với nhạc chèo. Trước Hạnh Nhân, đã có nhiều bậc đàn anh đeo đuổi với nhạc chèo và nhiều người cũng đã thành danh như: Đôn Truyền, Bùi Đức Hạnh, Thanh Bình…
Tuy nhiên, trong cảnh đìu hiu của các sân khấu chèo hiện đại, nhiều người đã không đủ vững tin khi buộc phải lựa chọn giữa cuộc sống áo cơm và sự đam mê nghề nghiệp đến thanh bần. Thành ra suốt nhiều năm nay, sau khi trở thành người viết nhạc chèo chuyên nghiệp, Hạnh Nhân luôn phải chịu cảnh "một mình một chiếu". Tại liên hoan sân khấu chèo toàn quốc tại Thái Bình năm 2011, nhạc sỹ là người viết nhạc cho 7/16 vở tham dự. Thế nên, những lần tham dự liên hoan, khi ông nhận huy chương mọi người đến chúc mừng còn ông thì ngậm ngùi. Lòng tự trọng của một nghệ sỹ yêu nghề đã khiến ông buồn phiền. Không rầu lòng sao được khi ông phải "độc diễn" quá nhiều lần trong những cuộc thi.
Là người tâm huyết với nghề, Hạnh Nhân đã cố gắng để cải thiện tình trạng này. Hạnh Nhân dành thời gian truyền nghề cho các nhạc sỹ trẻ. Hạnh Nhân là thầy của 24 học viên đại học, hệ vừa học vừa làm nghệ thuật sân khấu Chèo năm 2013 (Khoa Sân khấu - Điện ảnh - Viết văn của Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội). Hơn ai hết, Hạnh Nhân là người khao khát việc sân khấu chèo có lực lượng những nhạc sỹ trẻ, viết nhạc chèo chuyên nghiệp, đông đảo. Những cố gắng đầy tâm huyết của Hạnh Nhân không biết sẽ đem lại hiệu quả đến đâu, nhưng với tấm lòng rộng lượng và mến chuộng những tài năng trẻ, nhạc sỹ người Ninh Bình đã gửi gắm nhiều niềm tin vào những học trò của mình.
Ông nói: "hãy yêu nghề, dám sống chết với nghề thì nghề sẽ không bạc đãi mình". Những lời ấy không phải là lời khuôn sáo, đó là gan ruột của một người lấy chính cuộc đời nghệ thuật của mình ra làm một bảo chứng. ở thế hệ mình, Hạnh Nhân chính là người nếm trải đầy đủ nhất những cay đắng lẫn vinh quang mà nghiệp chèo mang lại.
Với bản tính nghệ sỹ, nhạc sỹ viết nhạc chèo không bằng lòng yên vị làm một "ông giáo" tại Khoa kịch hát dân tộc (Trường Đại học sân khấu- Điện ảnh). Hạnh Nhân yêu chèo, mê ánh đèn sân khấu, muốn thường xuyên hít thở không khí đêm diễn vì vậy nhạc sỹ chọn cách đi về các đoàn chèo, các nhà hát để viết nhạc. Vì thế mà nhạc của Hạnh Nhân bao giờ cũng giàu chất sống, vẫn nguyên cái "hồn vía" của chèo Bắc Bộ, cái "chất Hạnh Nhân" không lẫn vào đâu được. ở các kỳ hội diễn sở dĩ Hạnh Nhân rất "đắt khách"là vì ngoài lý do ở Việt Nam ít người viết nhạc chèo chuyên nghiệp, còn có một lý do khác đó là sự lịch duyệt với nghề của ông. Với riêng địa hạt nhạc chèo, sự lịch lãm trong vốn cổ âm của Hạnh Nhân là điều được giới nhạc sỹ thừa nhận. Một mình ông viết nhạc cho nhiều vở trong một hội diễn, nhưng mỗi vở vẫn có cái hồn cốt riêng không lẫn vào đâu được.
Với làng chèo Ninh Bình, nhạc sỹ luôn dành sự mến trọng đặc biệt. Trong ấy có cả tấm lòng của một người con với quê hương, lẫn ân tình với những người đồng nghiệp đã một thời cùng ông "đồng cam cộng khổ" để yêu chèo, để sống chết với chèo. Trong số trên dưới ba trăm vở mà ông từng viết nhạc, Hạnh Nhân dành tâm huyết đặc biệt cho những vở viết cho đoàn chèo quê hương như: Tấm áo bào hoàng đế, Nỗi oan người trở về, Chuyện tình người và đất, Em về đâu, Linh khí Hoa Lư, Tiếng hát đại ngàn…
Hạnh Nhân cũng là người luôn trăn trở trước câu hỏi làm thể nào để sân khấu chèo trở lại thời hoàng kim, để sô diễn kéo được khán giả đến rạp, để người nghệ sỹ sống được với nghề. Hơn ai hết nhạc sỹ là người tận tâm tận lực giữ hồn cốt cho chèo, song ông cũng là người không từ chối đổi mới chèo. Ông đã nhiều lần bày tỏ rằng không nên cố thủ trong chèo truyền thống, chèo phải biết phải tự làm mới mình, cũng là tự tìm lối thoát cho chính mình trước cuộc tấn công ào ạt của các loại hình giải trí hiện đại.
ở đây khoan hãy bàn đến chuyện đúng, sai trong quan điểm của nhạc sỹ về chèo, chỉ riêng việc mấy chục năm trời ông trung thành, tận tụy với nhạc chèo trong lúc giới nhạc sỹ đổ xô đi viết nhạc thị trường cũng đủ khiến chúng ta nể phục. Hạnh Nhân rõ ràng đã đứng ngoài cuộc đua kim tiền khi mà "cơm áo không đùa với khách thơ". Và riêng địa hạt nhạc chèo, với những gì ông đã làm, ở vào thời điểm hiện tại, Hạnh Nhân có thể ví như một gã "độc cô cầu bại".
Phương Nam