Ngày 21/6, tại Phú Thọ, Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu Sinh học Dầu khí (PVB) đã khởi công xây dựng dự án nhà máy sản xuất cồn nhiên liệu sinh học (bio-ethanol) đầu tiên ở khu vực phía Bắc.
Nhà máy, có tổng vốn đầu tư 80 triệu USD, là dự án có công nghệ tiên tiến với công suất 100.000m3 ethanol/năm sử dụng nguyên liệu chính là sắn và mía đường. Phát biểu tại lễ khởi công, Giám đốc PVB Vũ Thanh Hà cho biết khi đi vào sản xuất vào tháng 12 năm 2010, Nhà máy sẽ tạo ra nguồn nhiên liệu sinh học giá rẻ làm nguyên liệu chế biến xăng, tiến tới thay thế một phần xăng phải nhập khẩu; đồng thời giảm bớt lượng khí thải CO2 ra môi trường. Dự án sẽ góp phần tạo thu nhập ổn định và xóa đói giảm nghèo cho nông dân vùng trồng sắn, mía nguyên liệu cho nhà máy. Để đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định cho nhà máy khi đi vào hoạt động, PVB sẽ phối hợp với chính quyền địa phương ký hợp đồng trực tiếp thu mua nhiên liệu với nông dân. Hiện nay, ở Việt Nam, cồn sinh học ethanol được sản xuất chủ yếu từ nguồn nguyên liệu rỉ mía đường, với công suất từ 15.000-30.0000 lít/ngày, tập trung ở các nhà máy đường cùng hàng trăm cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ lẻ. Do sản xuất quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu và nguyên nguyên liệu thiếu ổn định, sản phẩm cồn sinh học của Việt Nam chưa có sức cạnh tranh cao trên thị trường, trong khi nhu cầu cồn sinh học ngày càng tăng. Theo dự báo của các tập đoàn năng lượng trên thế giới, đến năm 2012 ((khi Nghị định thư Kyoto có hiệu lực), lượng ethanol nhiên liệu thế giới sẽ tăng lên 79,3 tỷ lít và tỷ lệ sử dụng làm nhiên liệu tăng lên tới 85%.
Theo TTXVN/Vietnam+