Chúng tôi tìm đến nhà ông Thân vào một ngày đầu năm. Ngôi nhà mái ngói ba gian xinh xắn nằm lọt thỏm giữa những dãy nhà mái bằng, cao tầng khu vực đường 477. Không hẹn trước nhưng may mắn chúng tôi gặp ông đang ở nhà cắt dán một số hình ảnh mới sưu tầm được sau một chuyến đi xa. Sự "viếng thăm" bất ngờ của chúng tôi không làm ông Thân ngạc nhiên bởi gia đình ông vẫn thường xuyên được đón các đoàn khách đến "chiêm ngưỡng" bộ sưu tập vô giá mà ông đã kỳ công sưu tầm. Lý do mọi người tìm đến xem cũng có nhiều, người tìm đến để được xem và hiểu hơn về thân thế, sự nghiệp của Bác Hồ, người vì không tin nên muốn đến chứng kiến tận mắt... Trong lúc chờ đợi ông Thân pha chè, tôi đưa mắt nhìn lên chiếc bàn thờ được kê cao quá đầu người. Bức tượng Bác Hồ được đặt ở vị trí trang nghiêm nhất. Những làn khói trắng thoang thoảng mùi thơm bay ra từ nén hương vừa đốt. Rót chén nước chè đặc sánh mời chúng tôi, ông Thân tâm sự: ông nguyên là trưởng phòng y tế huyện Gia Viễn. Năm 1981 về nghỉ hưu, ông Thân tự nhủ, những người cao tuổi thường tìm cho mình một thú vui lúc tuổi già. Có người thích chơi cây cảnh, có người thích chơi chim, có người thích trồng hoa, còn ông Thân lại chọn cho mình một nguồn vui riêng, đó là sưu tầm hình ảnh, tư liệu về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tay ông Thân run run khi đưa cho chúng tôi xem cuốn album dày cộp, nặng tới gần chục kg với 700 hình ảnh về Bác. Để có được báu vật đó, ông Thân đã phải tìm cắt ở báo hoặc thuê người chụp lại ảnh tư liệu. Lần giở từng trang, tôi như bị cuốn vào những hình ảnh ấy. Đầu tiên là hình ảnh gia đình với bố, mẹ, anh, chị của Bác, rồi lúc Bác ra đi tìm đường cứu nước từ bến Nhà Rồng, ngày Bác trở về lãnh đạo nhân dân đứng lên đấu tranh giành chính quyền. Tôi thực sự ấn tượng với một chuỗi khoảng gần 100 hình ảnh Bác dự Hội nghị quốc tế Cộng sản lần thứ V, lần thứ VII, Bác chủ trì thành lập Đảng cộng sản Việt Nam tại Hương Cảng vào ngày 3/2/1930. Tiếp đó là hình ảnh Bác sang Trung Quốc gây dựng lực lượng cách mạng chống Nhật, đến Trùng Khánh bị Quốc dân đảng bắt, bị tù đày... Ông Thân cũng đã dành khá nhiều thời gian để sưu tầm các hình ảnh của Bác với quê hương Ninh Bình, trong đó có cảnh Bác trao huy hiệu cho nhân dân xã Khánh An (Yên Khánh), thăm Nông trường quốc doanh Đồng Giao, Bác đi kiểm tra công tác chống hạn ở Ninh Bình... Nhiều hình ảnh thú vị và hết sức bình dị, gần gũi của Bác với nhân dân khi Người thổi chiếc khèn, khi lội ruộng cày cấy. Những bức hình ấy đã lột tả chân thực, sống động hình ảnh vị cha già với tấm lòng bao la luôn quan tâm, dành tình yêu cho hết thảy mọi người, từ những người nông dân chân lấm tay bùn đến các bác sỹ, bộ đội, công an, nhà báo, trẻ em, người già... Lần giở đến trang cuối cùng của cuốn album, tôi thực sự xúc động khi thấy hình ảnh Bác ra đi về cõi vĩnh hằng và những đôi mắt nhòa lệ vì thương tiếc Bác. Trực bên linh cữu của Người là các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tôn Đức Thắng.
Qua 700 hình ảnh, chúng tôi phần nào hiểu được trí tuệ, tài năng, tâm hồn và tấm lòng của Bác với đất nước, với nhân dân. Xem cuốn album đó, những người trẻ tuổi như thế hệ chúng tôi được hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp cao quý của Bác trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Ông Thân tâm sự, để có được những hình ảnh đó ông đã phải dành rất nhiều thời gian đi đó đây để sưu tầm. Ông không thể nhớ nổi đã có bao nhiêu chuyến đi từ Bắc, Trung, Nam để gặp gỡ, hỏi han, tìm kiếm. Đồng lương ít ỏi mỗi tháng lĩnh được ông đều dành dụm để chi tiêu cho những chuyến đi xa. Chuyến đi gần đây nhất là ông vào thành phố Hồ Chí Minh. ở cái tuổi gần 80, ông Thân không ngại khó khăn vất vả, chỉ sợ mất thời gian mà phải ra về tay không. Vì vậy buổi tối ông thuê nhà trọ để nghỉ, còn ban ngày lại thuê xe tìm đến những nơi mà ông cho rằng ở đó lưu giữ những hình ảnh, hiện vật của Bác. Chuyến đi kéo dài gần 1 tháng ấy đã giúp ông tìm được tới 60 hình ảnh quý về Bác Hồ.
Bà Tô Thị Huế, vợ ông, năm nay đã gần bảy mươi. Bà vốn là một y sỹ nhưng vì xin về nghỉ sớm nên không có lương, cuộc sống của ông bà nhiều lúc gặp khó khăn. Nhưng hiểu và đồng cảm với việc làm của chồng, bà âm thầm giúp ông bằng những bữa cơm lành, canh ngọt để ông tiếp tục dồn tâm trí cho cuốn album. Với ông Thân, niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất chính là được chứng kiến hình ảnh những đôi mắt to, tròn, đen láy của những đứa trẻ khi lật giở từng trang ảnh và tò mò đọc những dòng chú thích bên dưới. Ông Thân luôn ấp ủ một tâm nguyện là muốn được giúp các em học sinh hiểu thêm về lịch sử, về Bác Hồ không phải qua những quyển sách chi chít chữ mà bằng những tấm hình sống động, chân thực, hấp dẫn. Ngôi nhà của ông Thân quá nhỏ, không đủ chỗ để ông có thể trưng bày tất cả các hình ảnh mà ông đã sưu tầm. Đã có rất nhiều lời đề nghị ông nên giới thiệu bộ sưu tập của mình cho đông đảo mọi người cùng biết nhưng ông Thân vẫn còn đang suy tính bởi sức ông năm nay đã yếu, không thể "Thuyết minh" hết gần 1.000 tấm hình đó cho những người đến xem được.
Ngoài việc sưu tầm những hình ảnh về Bác, trong gia tài của ông Thân còn 19 bài thơ chúc Tết của Bác khi Người ở cương vị Chủ tịch nước và bản thân ông còn sáng tác hàng trăm bài thơ ca ngợi Đảng, Bác Hồ. Quả thực đến gặp gỡ và chứng kiến những gì ông Thân đã làm, chúng tôi hiểu ông phải có lòng kiên trì và tình yêu thiết tha với Bác Hồ thì mới có thể làm được như vậy. Mong sao ông Thân sẽ còn sống lâu hơn nữa để có thể tìm được thêm nhiều hình ảnh về Bác Hồ, để cuốn album của ông ngày càng dày lên và được nhiều người biết đến.
Ngọc Kim