Chia sẻ về những năm tháng nỗ lực vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế gia đình, chị Thịnh cho biết: Là phụ nữ nông thôn, lớn lên chị chỉ biết có nghề nông. Khi xây dựng gia đình năm 1990, cuộc sống của vợ chồng chị rất khó khăn do hoàn cảnh hai bên gia đình đông con, không giúp đỡ được gì. Cuộc sống của anh chị chỉ trông vào sản xuất nông nghiệp với vài sào ruộng khoán, mỗi tháng bình quân cho thu nhập 4-500 nghìn đồng. Là vợ chồng trẻ, có sức khỏe, lại năng động, chị Thịnh rất trăn trở và bàn với chồng nhiều phương án phát triển kinh tế gia đình với mong muốn có một cuộc sống tốt hơn, thêm điều kiện cho các con ăn học.
Nghĩ là làm, nhận thấy nhiều diện tích ruộng vườn người dân trong thôn xóm không "mặn mà" với việc canh tác, chuyển đổi sản xuất, chị Thịnh bàn với chồng đấu thầu để phát triển kinh tế. Được chồng hưởng ứng, chị Thịnh quyết định đấu thầu 1 mẫu ruộng cấy lúa không hiệu quả, cùng chồng xắn tay vào cải tạo, ngoài thuê người đào ao thả cá, anh chị ngày đêm "vật lộn" với diện tích đất đã vượt để trồng cây màu nhằm lấy ngắn nuôi dài, bù lỗ phần nào những khó khăn ban đầu khi cây, con chưa cho thu hoạch.
Năm đầu tiên chuyển đổi, do chưa có kinh nghiệm, anh chị không thu về được bao nhiêu, thậm chí còn bị lỗ vì đầu tư quá nhiều. Gặp khó nhưng anh chị không nản chí, một mặt tiếp tục đầu tư nuôi các loại cá, chị Thịnh tích cực tham gia các buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật về nông nghiệp do các đoàn thể tổ chức, đặc biệt là hội phụ nữ về cách trồng cây gì, trên đất nào cho phù hợp để đạt hiệu quả cao nhất.
Nắm được kiến thức, chị Thịnh mạnh dạn chuyển đổi từ chỉ chuyên trồng một loại cây ngô 1 năm 3 vụ sang trồng xen canh gối vụ các loại cà chua, dưa lê, rau màu các loại, cho năng suất và giá trị kinh tế ngày một cao, mỗi năm đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Có kinh nghiệm, lại biết cách chuyển đổi cây trồng phù hợp, chị Thịnh tiếp tục đấu thầu thêm một số diện tích đất ruộng cạnh nhà. Từ năm 2009-2013, anh chị đấu thầu thêm 3 mẫu ruộng đất 2 lúa. Tiếp tục cải tạo diện tích đất thành rãnh, ao để nuôi các loại cá, ốc, phía trên rãnh đầu tư làm giàn trồng các loại cây leo như su su, bí xanh, mướp các loại…
Với mô hình kinh tế đa canh gồm vườn - ao - giàn, mỗi năm trừ chi phí, gia đình chị Thịnh thu lãi về từ 250-300 triệu đồng, tạo việc làm cho 5-6 lao động nông nhàn tại địa phương với thu nhập 2,5-3 triệu đồng/người/tháng, trở thành một trong những hội viên phụ nữ tiêu biểu trong phát triển kinh tế gia đình của xóm 8 và xã Thượng Kiệm.
Kinh tế gia đình ổn định và ngày càng phát triển bền vững, chị Thịnh có thêm điều kiện chăm sóc con cái và chăm lo cuộc sống gia đình. Nhiều năm liền chị được Hội phụ nữ các cấp bình chọn là hội viên phụ nữ tiêu biểu trong phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc". 3 năm liền (2013-2015), gia đình chị được công nhận là gia đình văn hóa tiêu biểu.
Mô hình chuyển đổi sản xuất thâm canh của gia đình chị Phạm Thị Thịnh được đánh giá là khá hiệu quả, phù hợp với đồng đất Kim Sơn, cần được triển khai nhân rộng ra nhiều xã của huyện, góp phần tăng thu nhập trên diện tích gieo trồng, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Đặc biệt, với nhiều địa phương diện tích đất cấy hai vụ lúa đang không hiệu quả, việc chuyển đổi là cần thiết, không chỉ cho giá trị kinh tế cao, mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần hoàn thiện tiêu chí việc làm, thu nhập, thực hiện tốt chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Khải Hoàn