Vì nhiều lý do, nghề gốm truyền thống của làng Bạch Liên bị gián đoạn một thời gian dài. Cho đến năm 2005, thương hiệu nghề gốm cổ Bồ Bát được khôi phục lại và được UBND tỉnh Ninh Bình công nhận nghề gốm cổ Bồ Bát, làng Bạch Liên, xã Yên Thành (Yên Mô) là làng nghề truyền thống của tỉnh. Người có công rất lớn, người đã nỗ lực khôi phục lại nghề gốm cổ Bồ Bát là anh Phạm Văn Vang - một thanh niên giáo dân năng động, say mê, tâm huyết với nghề cha ông đã nỗ lực đưa nghề về lại nơi Tổ nghề. Anh Phạm Văn Vang tâm sự: Từ khi tuổi còn thơ, dù cả làng đã không còn nghề gốm, nhưng tôi vẫn được nghe ông bà kể lại rằng nghề gốm Bồ Bát đã xuất hiện ở đây hàng nghìn năm về trước. Sau đó do thời cuộc, do chiến tranh loạn lạc, nghề gốm không còn tồn tại được ở làng. Nung nấu ý định sẽ khôi phục lại nghề truyền thống của quê hương, tốt nghiệp THPT, anh Phạm Văn Vang ra Bát Tràng học lại nghề làm gốm. Nhờ học việc chăm chỉ và ngoan hiền nên chủ nhà - vốn là người chú họ nhiều đời làng Bồ Bát năm xưa di cư ra Bát Tràng rất quý.
Ông Phạm Lâm Chúc, Trưởng chi họ Phạm Bát Tràng, chủ xưởng gốm Phạm Lâm Chúc, xã Bát Tràng cho biết: Tôi được biết nguyện vọng của Vang là muốn khôi phục lại nghề gốm tại quê hương nên đã động viên cháu và dạy nghề rất tỉ mỉ.
Bởi gốc gác của ông cha tôi là vùng Bồ Bát, Yên Mô (Ninh Bình), nay đã là đời thứ 22 lập nghiệp tại Bát Tràng. Sau hơn 3 năm học nghề, thấy tay nghề đã vững, anh Vang về quê mở xưởng làm gốm. Vừa đầu tư xây dựng xưởng anh vừa kết hợp đi tìm hiểu thị trường gốm từ Bắc vào Nam.
Sau khi tìm hiểu kỹ thị trường, nắm bắt được xu thế của người tiêu dùng, anh Vang bàn với vợ vay ngân hàng hơn 100 triệu đồng đầu tư vào xưởng gốm, đồng thời tuyển 10 thanh niên gửi ra Bát Tràng học nghề để có nhân lực phục vụ sản xuất cho xưởng.
Đến năm 2009, khi sản phẩm gốm Bồ Bát lúc này là các đồ gốm trang sức như vòng cổ, vòng tay, chuông gió, dây lưng; tranh gốm mỹ nghệ và tượng gốm nghệ thuật được trang trí bằng những họa tiết thổ cẩm, hoa văn chủ yếu là vẽ bằng men màu, đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường, để có thêm người làm, anh Vang mở lớp dạy nghề và trực tiếp đứng ra giảng dạy theo kiểu cầm tay chỉ việc ngay tại xưởng cho hơn 50 lao động tại làng.
Cùng với đó, anh tiếp tục cử người đi phát triển, tìm kiếm thị trường, nhờ vậy mà chỉ một thời gian sau, sản phẩm gốm Bồ Bát đã có mặt ở khắp trong Nam ngoài Bắc.
Để nghề làm gốm truyền thống được kế thừa và phát triển lên tầm cao mới, cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị trong tỉnh, từ cơ sở sản xuất gốm nhỏ lẻ, tháng 4 năm 2011, anh Phạm Văn Vang thành lập Doanh nghiệp tư nhân gốm Bồ Bát. Không đặt lợi nhuận lên hàng đầu, sản phẩm của doanh nghiệp được sản xuất và bán với giá phải chăng, chú trọng mở rộng thị trường, do đó ngày càng đến gần với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Hiện nay, sản phẩm chính của doanh nghiệp là sản xuất ấm, chén, bát, đĩa, âu, bình các loại…, mỗi tháng xuất xưởng trên 30 nghìn sản phẩm. Mỗi năm, cơ sở sản xuất hơn 1 vạn sản phẩm, doanh thu đạt trên dưới 3 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 15-20 lao động, với mức lương bình quân từ 5-6 triệu đồng/tháng.
Với sự nỗ lực, cố gắng của bản thân, cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, sản phẩm gốm Bồ Bát ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Hiện các sản phẩm như bát, đĩa, ấm, chén sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đấy, hầu như không có hàng tồn.
Ngoài thị trường trong tỉnh, sản phẩm gốm Bồ Bát được nhiều thị trường ưa chuộng, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt trong các kỳ hội chợ, triển lãm, sản phẩm được tiêu thụ với số lượng khá lớn. Sản phẩm gốm Bồ Bát được tặng nhiều huy chương Vàng, hàng chất lượng cao trong các kỳ hội chợ, triển lãm về các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống.
Nhiều năm liền, anh Vang được tuyên dương là thanh niên làm kinh tế giỏi, nông dân tiêu biểu sản xuất, kinh doanh giỏi; được nhận nhiều Bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành. Năm 2016, anh Phạm Văn Vang là 1 trong 2 cá nhân tiêu biểu của tỉnh vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú do có nhiều cống hiến trong gìn giữ và phát triển ngành nghề thủ công truyền thống.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh