Mỗi người, mỗi nhà đều có một cách riêng để hướng về đất Tổ, tưởng nhớ đến các vua Hùng đã có công dựng nước. Trong những ngày tháng 3 thiêng liêng và sâu lắng này, mỗi người dân Ninh Bình ngoài náo nức với lễ hội Truyền thống Trường Yên thì ai ai cũng một lòng thành kính hướng về đất Tổ, về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.
Những năm trước đây, mỗi khi đến ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, tùy vào hoàn cảnh, người dân vùng đất Cố đô đều cố gắng thu xếp thời gian để về vùng đất Tổ đúng ngày giỗ một lần trong đời với mong muốn tìm về nguồn cội, bày tỏ lòng thành kính, tri ân các vua Hùng. Nhưng thời gian gần đây, khi Giỗ Tổ Hùng Vương trở thành Quốc lễ, cán bộ công chức, viên chức, người lao động đều được nghỉ thì tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lại được nâng lên ở một mức cao hơn.
Bà Phạm Thị Thu Nga (thôn Đông Hạ, xã Ninh Phúc, Thành phố Ninh Bình) tâm sự: Bây giờ tôi cũng như nhiều người quan niệm không phải là hành hương về miền đất Tổ mới là thể hiện lòng thành kính mà ngay trên mảnh đất mình đang sống mỗi người đều có thể tưởng nhớ đến các vua Hùng, những người đã có công dựng nước bằng việc thắp nén hương thơm, kèm theo tấm bánh chưng bánh giầy trên bàn thờ tổ tiên vào ngày chính lễ. Tôi thấy như thế ai cũng có thể hướng về nguồn cội một cách thành tâm nhất và phù hợp với mọi hoàn cảnh, lứa tuổi.
Có thể nhận thấy rõ nét những năm trước đây việc thờ cúng vào ngày 10-3 âm lịch chỉ trong một bộ phận nhỏ người dân nhưng hiện nay, nhất là khi giỗ Tổ trở thành Quốc giỗ thì việc thờ cúng vào ngày này đã trở thành phổ biến trong nhiều gia đình vùng đất Cố đô với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tâm linh đẹp.
Có thể chỉ là thắp nén hương thơm, có thể thêm chút bánh chưng, bánh giầy cho trọn hương vị đất Tổ, cũng có gia đình lại có thêm đặc sản vùng quê như rượu Kim Sơn, nem Yên Mạc, cơm cháy Hoa Lư...để làm phong phú thêm mâm cỗ cúng giỗ; có gia đình cúng chay, có gia đình làm mâm cơm mặn với đủ đầy các món nhưng tựu chung lại đều là thành tâm hướng về tổ tiên, về những vị anh hùng đã có công dựng nước, mong muốn một cuộc sống an lành, thịnh vượng. Nhiều người chọn cho mình việc ra đền, chùa để tĩnh tâm bái thỉnh về đất Tổ vì trong ngày Quốc lễ khắp các chốn đình chùa đều nghi ngút nhang khói, sửa bày lễ vật.
Cũng có những gia đình coi ngày giỗ Tổ trở thành một dịp để giáo dục lịch sử cho con cháu. Ông Nguyễn Văn Hàm (phường Phúc Thành, thành phố Ninh Bình) cho biết: Mỗi năm đến dịp mùng 10 tháng 3 tôi lại kể cho các cháu nghe về sự tích các vua Hùng, về câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời "Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước" để mong các cháu hiểu hơn về lịch sử, tại sao lại được nghỉ học vào ngày 10-3 âm lịch. Tôi rất vui vì các cháu đều hào hứng với những câu chuyện ông kể và hứa phấn đấu sẽ học tập tốt hơn, cố gắng tu dưỡng và rèn luyện để xứng với truyền thống hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Ông Hàm cho biết thêm, để những câu chuyện mỗi năm một mới, một sâu sắc, gia đình ông tổ chức cho con cháu tự gói bánh chưng bánh giầy để thắp hương tổ tiên vào ngày giỗ Tổ, để bồi đắp cho các cháu tư tưởng luôn hướng về nguồn cội bằng những việc làm bình dị nhất, đơn giản nhất. Những người cháu của ông Hàm cũng rất vui khi tự mình gói bánh chưng, làm bánh giầy dâng lên bàn tờ tiên tổ.
Những người dân ở miền quê xa xôi hơn thì thường lập thành bản hội để hành hương về đất Tổ. Chị Đoàn Thị Hoài, trưởng một bản hội với trên 30 người của huyện Kim Sơn không khỏi háo hức chuẩn bị cho hành trình về nguồn. Chị Hoài cho biết: Hàng năm, bản hội chúng tôi đều tổ chức đoàn về tham quan, chiêm bái và dự hội đúng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, bởi vì ngày "Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba" đã in sâu vào tiềm thức mỗi người con đất Việt rồi.
Lễ vật chúng tôi cung tiến về hội cũng chẳng có gì là cao sang, chỉ là những sản vật của quê hương như bánh chưng, giò chả, rượu nếp, trái cây của vùng đất và do con người Kim Sơn trồng cấy, làm ra, nếu không được đi, được đến, lòng không hướng về ngày Giỗ Tổ, chúng tôi như thấy tâm không được an, lòng không được yên vậy. Tôi chỉ mong thời tiết đẹp, không khí mát mẻ để những ngày lễ hội được diễn ra thêm phần vui tươi, an lành, thực sự là những niềm vui trọn vẹn của người dân đất Việt.
Những người con trên mảnh đất Cố đô đang hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương với một tình cảm thiêng liêng và thành kính, với niềm tri ân sâu sắc những vua Hùng đã có công dựng nước, góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong thế hệ mai sau, để nghi lễ thờ cúng Hùng Vương mãi là một di sản ăn sâu vào trong tiềm thức của mỗi người dân đất Việt.
Nguyễn Khánh - Hạnh Chi