Được biết, họa sỹ không hề được đào tạo qua bất cứ một trường lớp nào về hội họa, chỉ bắt đầu nghiệp cầm bút vẽ từ năm lên 10 tuổi với những bài học vỡ lòng về màu sắc, đường nét, bố cục..., trong nhiều tác phẩm hội họa mà anh đã và đang thực hiện, có một tác phẩm mà anh luôn tâm đắc, dành trọn tình cảm và tâm huyết, đó là bức tranh vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Đây cũng là tác phẩm khiến nhiều người ở khắp trong Nam, ngoài Bắc tìm đến xưởng vẽ của anh...
Phòng tranh nhỏ có lịch sử gần trăm năm về hội họa
Tìm về thị trấn Phát Diệm, hỏi thăm nhà của họa sỹ Trần Hòa Bình, không ai là không biết. Căn nhà nằm ngay mặt đường phố Phát Diệm tuy khiêm tốn về diện tích (rộng khoảng 10 m2) nhưng khá có tiếng ở trong và ngoài tỉnh. Trước đây căn phòng này là xưởng vẽ của gia đình cố họa sỹ Nam Phong, một họa sỹ nổi tiếng trong giới vẽ tranh truyền thần của đất Bắc. Tiếp nối truyền thống gia đình, họa sỹ Trần Hòa Bình được thừa kế xưởng tranh của bố và hàng ngày làm nghề trong căn phòng nhỏ nhưng có truyền thống gần 100 năm về hội họa. Cách đây hơn 40 năm, khi mới hơn 10 tuổi, cậu bé Trần Hòa Bình đã biết cầm cọ và quan sát những nét vẽ đầu tiên của bố mình khi truyền ảnh Bác Hồ trên giấy croky khổ lớn. Chính trong quãng thời gian này, Trần Hòa Bình đã tiếp thu được những bài học vỡ lòng về màu sắc, đường nét, bố cục, đặc biệt là làm thế nào để truyền được cái thần của nhân vật trên giá vẽ.
Họa sỹ Trần Hòa Bình vẫn nhớ: Thời anh còn nhỏ, nghề vẽ truyền thần rất "ăn khách". Người ta tìm đến xưởng vẽ của gia đình để đặt vẽ chân dung người thân, vẽ tranh phong cảnh... Thậm chí, ảnh cưới của nhiều gia đình cũng được đặt vẽ. Từ lòng yêu nghề của bố mà các anh em trong gia đình đều gắn bó với nghề và có những thành công nhất định với nghề vẽ truyền thần.
Đối với gia đình riêng của Trần Hòa Bình, cả 4 người con đều yêu hội họa và hiện đều gắn bó với nghề sau những năm tháng tuổi thơ được bố kèm cặp, dạy bảo về những kỹ thuật vẽ truyền thần và truyền cả lòng yêu nghề. Hơn 40 năm bên giá vẽ, từ những ngày học những bài học đầu tiên về hội họa và lại gắn bó với nghề, tiếp tục dạy các con cũng chính tại xưởng vẽ nhỏ này, họa sỹ Trần Hòa Bình luôn tự hào vì đã tiếp nối truyền thống gia đình, vun đắp thêm ý nghĩa cho phòng tranh có lịch sử gần một thế kỷ của gia đình.
Người vẽ nên gần... 600 bức tranh về lãnh tụ kính yêu
Yêu nghề vẽ truyền thần của gia đình và thực sự có đam mê, thời thơ ấu của Trần Hòa Bình ngoài giờ lên lớp luôn gắn liền với những mẩu giấy, mực vẽ thừa của bố để tập tạnh vẽ tranh, tìm cách thể hiện được tình cảm của mình đối với những nhân vật trên giá vẽ. Trong nhiều chân dung được xem bố vẽ, Trần Hòa Bình thực sự thấy xúc động khi chứng kiến những nét vẽ tài hoa của bố khi thể hiện chân dung về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và phải đến năm 16 tuổi, bức tranh đầu tiên về Bác Hồ mới được chính Trần Hòa Bình vẽ thành công trên chất liệu sơn dầu. Với bức tranh này, anh đã ngồi bên giá vẽ 3-4 ngày liền. Vừa vẽ các chi tiết trên gương mặt Bác, anh vừa tưởng tượng ra hình ảnh của Người: Nào là vầng trán cao, đôi mắt ngời sáng, chòm râu hiền hòa, nhân hậu... Tất cả những chi tiết trên gương mặt Người đều toát lên sự giản dị, cao đẹp của vị lãnh tụ dân tộc.
Trần Hòa Bình kể: Năm 1971, dù rất yêu quý bức tranh đầu tiên do mình vẽ nhưng tôi đã đem tặng cho UBND thị trấn Phát Diệm vào dịp tổng kết cuối năm để mọi người cùng chiêm ngưỡng, học tập tấm gương về Bác.
Từ bức chân dung đầu tiên về Bác đã cho Trần Hòa Bình sự khích lệ để anh tiếp tục cho ra đời những bức tranh về Bác với nhiều hình ảnh khác nhau: hình ảnh Bác đang ngồi làm việc tại nước Nga, hình ảnh Bác đang chơi với các cháu thiếu nhi, Bác đang làm việc tại Phủ Chủ tịch... Với anh, dù là hình ảnh nào của Người cũng phải vẽ được cái thần thái, cốt cách của vị lãnh tụ dân tộc. Vì vậy, để vẽ thành công hình ảnh của Người, ngoài việc tự học về hội họa, anh còn dành nhiều thời gian để tìm đọc những mẩu chuyện về Bác, sưu tầm những bức ảnh về Bác.
Khi vẽ chân dung Người, vẽ đến chi tiết nào là anh lại nhớ đến những câu chuyện về Bác như: vẽ chòm râu là anh hình dung ra cảnh Bác đang vui chơi với các cháu thiếu nhi, vẽ đôi mắt sáng của Người là hình dung ra lúc Bác đang suy nghĩ về việc nước... Trong nhiều bức chân dung về Bác, Trần Hòa Bình cảm thấy có cảm hứng nhất với bức chân dung Bác đang ngồi trên ghế trong chuyến sang thăm và làm việc tại Nga. Đây cũng là bức chân dung được nhiều người yêu thích. Nhiều cơ quan, công sở và khách du lịch ở trong và ngoài tỉnh đã tìm đến đặt anh vẽ chân dung Bác Hồ. Thậm chí, có việt kiều ở Pháp còn nhờ người nhà đặt 5 bức chân dung về Bác ở các tư thế, hình ảnh khác nhau để đem sang Pháp treo.
Từ năm 1971 đến nay, Trần Hòa Bình đã thể hiện thành công gần 600 bức chân dung về Bác Hồ. Nhiều người, kể cả các họa sỹ trong nghề đều thán phục và cho rằng anh là người đã lập ra kỷ lục mới về số lượng tranh về Bác. Còn đối với Trần Hòa Bình, anh lại có suy nghĩ khác: Hình ảnh của Bác luôn là tấm gương sáng soi đường để anh làm được nhiều việc có ý nghĩa trong cuộc sống, đặc biệt là cho anh cảm hứng sáng tạo để mỗi tác phẩm được vẽ nên đều xuất phát từ tình cảm kính trọng, lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao như trời biển của vị cha già dân tộc.
Phan Hiếu