Theo nghề từ thuở còn thơ...
Nguyễn Phú Viễn sinh năm 1984 tại phường Tân Bình (Thành phố Tam Điệp). Niềm đam mê hát văn của Phú Viễn có lẽ được chắp cánh nhờ cả ba yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" như anh nói vui với chúng tôi. Bởi lẽ, quê hương Tam Điệp nơi anh sinh ra và lớn lên là một trong những trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, có rất nhiều đền, thờ, miếu phủ linh thiêng, được đông đảo du khách thập phương biết đến. Người dân nơi đây cũng rất chú trọng đến việc bảo tồn và lưu giữ những nét đẹp văn hóa dân gian truyền thống, nhất là trong lễ hội.
Từ khi còn nhỏ, Phú Viễn thường hay theo bố đi lễ, hầu phủ, chính điều đó đã nuôi dưỡng niềm đam mê hát văn trong con người ông. 10 tuổi, người ta đã thấy cậu bé Phú Viễn lúc nào cũng say mê với những giá hầu đồng, với những câu hát, nhịp phách, tiếng đàn. Thế rồi, dần dần niềm đam mê hát văn ngấm vào trong con người anh từ lúc nào không rõ. Càng lớn, Phú Viễn càng thấy mình có "duyên" với hát văn. 22 năm theo nghề, những câu hát văn như ăn sâu vào máu thịt anh, nuôi dưỡng tâm hồn anh. Hễ nghe nói ở đâu có cung văn (người hát chầu văn và dàn nhạc phụ vụ hát văn) giỏi, nổi tiếng dù xa đến mấy, anh cũng lặn lội "khăn gói quả mướp" đến gặp, vừa để học hát, vừa tìm hiểu thêm về nghệ thuật hát văn và sưu tầm lại những làn điệu hát văn khác nhau. Anh kể: Hồi đó, mượn sách ghi chép các làn điệu Hát văn khó lắm, vì chủ yếu là sách cổ, sách bằng chữ Hán Nôm. Những cung văn giỏi, những thầy cúng giỏi mới có sách ghi chép các làn điệu hát văn, rất quý. Tôi cũng phải nói khó mãi, các cụ mới cho mượn, tôi mang về nhờ người dịch ra tiếng Việt, và lưu giữ lại...
Nghe Phú Viễn nói về hát văn thì không thể dứt ra được và khó ai nghĩ đó chỉ là một thanh niên mới ngoài 30 tuổi. Phú Viễn bảo: Xưa kia, người dân Việt Nam theo tín ngưỡng Tứ phủ (thờ: trời, đất, núi, sông), và hát chầu văn thường được gắn với tín ngưỡng hầu đồng, mọi người tin rằng nghi thức lên đồng giúp giao tiếp với thần linh thông qua những đồng cô hay đồng cậu. Hầu đồng không phải ai muốn làm cũng được, bởi theo quan niệm thờ Tứ phủ chỉ những người có cơ duyên đặc biệt mới được thần linh nhập hồn vào xác để ban phúc lộc cho người đời, có thể trừ tà, chữa bệnh... Qua câu chuyện với Viễn, tôi hiểu thêm Hát Chầu văn có nhiều lối hát. Đó là: Bỉ, Miễu, Thổng, Phú Bình, Phú Chênh, Phú Nói, Phú Rầu, Đưa Thơ, Vãn, Dọc, Cờn, Hãm và Dồn... Hát Chầu văn và hầu bóng thường được tổ chức trong một không gian văn hóa của đình, đền, phủ chúa Liễu hay điện thánh Trần, tạo nên không gian sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng huyền bí.
Sau nhiều năm trăn trở, vật lộn với nghề, Phú Viễn đã trở thành đội trưởng đội hát văn Thiên Phú, nay là Câu lạc bộ diễn xướng chầu văn Thiên Phú. ở cương vị chủ nhiệm câu lạc bộ, anh luôn trăn trở làm thế nào để giới thiệu những giá hầu đồng đến với công chúng. Bởi lẽ: "Trước kia, chỉ có những gia đình nhà quan, các tiểu thương làm ăn buôn bán giàu có mới có tiền tổ chức được những giá đồng, mới được xem hầu đồng, người dân nghèo hầu như không được xem bao giờ, chính vì vậy mà đã có rất nhiều đồn thổi về sự thần bí trong hầu đồng, khiến cho nghi lễ tín ngưỡng này bị nhuốm màu mê tín dị đoan. Chính vì vậy, tôi rất muốn đưa hầu đồng ra ngoài công chúng, để mọi người xem, hiểu và thấy được giá trị độc đáo của hoạt động tín ngưỡng này, cũng như hiểu được giá trị của nghệ thuật hát văn". Nguyễn Phú Viễn đã được tặng huy chương vàng tại hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Ninh Bình năm 2013 với tiết mục hát văn "Chúa Thác bờ"
Theo sát những bước đi thăng trầm của nghệ thuật hát chầu văn, Phú Viễn đã sưu tầm và lưu giữ được hàng trăm bài hát văn với nhiều làn điệu khác nhau. Đến nay, trong tay anh đã có khoảng 50 - 60 làn điệu trong đó có gần 20 làn điệu hát văn cổ. Anh cũng là người vừa biết đàn, hát, gõ, nắm được đầy đủ niêm luật, tinh túy và lề lối của các bậc nghệ nhân hát văn xưa, đồng thời là người trung thành và chú trọng giữ gìn vốn cổ.
Đưa lửa chầu văn đến với những người trẻ
Ngoài việc đam mê sưu tầm và bảo tồn nững nét đẹp của hát chầu văn, Phú Viễn còn mong muốn truyền niềm đam mê ấy cho giới trẻ bởi như anh nói "Hát văn ngày nay không chỉ bó hẹp trong nghi lễ lên đồng, mà còn được coi như hình thức ca nhạc dân gian vui tươi, lành mạnh. Âm nhạc chầu văn mang tính chất sôi nổi, náo động, cộng thêm tiếng trống phách, thanh la rộn ràng khiến cho buổi hầu đồng luôn tưng bừng, rộn rã. Do vậy, có thể xem hình thức diễn xướng dân gian này là một nghệ thuật tổng hợp, tinh tế và không thua kém gì những thể loại nghệ thuật bác học hiện đại." Chính vì thế Phú Viễn và những thành viên trong CLB diễn xướng chầu văn Thiên Phú đã mở nhiều lớp dạy truyền nghề miễn phí cho những em nhỏ có niềm đam mê.
Nhấp chén chè nóng, Phú Viễn trầm ngâm nói; Giờ đây, tín ngưỡng Tứ phủ hồi sinh mạnh mẽ nên phong trào học hát chầu văn cấp tốc có ở khắp nơi. Để nhanh chóng kiếm tiền, người ta chỉ cần học lỏm vài ba làn điệu cơ bản qua băng đĩa rồi hành nghề. Kiểu học "ăn xổi" đó làm hát văn bị biến dạng. Nếu như âm nhạc trong Hát văn truyền thống trang trọng và mang ý nghĩa tâm linh thì hiện nay đã bị "sến" đi nhiều và lắm tiết tấu. Không ít Cung văn có một chút giọng, học chủ yếu qua băng đĩa để thuộc lời, nếu không thuộc thì để sẵn điện thoại rồi hát, nên tinh thần và nghệ thuật Hát văn bị coi nhẹ. Xuất phát từ thực tế đó nên tôi thấy nếu mình thực sự có lửa với bộ môn nghệ thuật này thì cần truyền lửa cho thế hệ sau bằng cái tâm của một nghệ nhân, để nghệ thuật hát văn không sa vào xu hướng "thị trường hóa". "Tuy CLB mới lấy học viên ở các vùng xung quanh, nhưng người đăng ký học hiện rất đông.", Phú Viễn vui vẻ nói. "Trong số người dạy hát văn, chúng tôi có những nghệ nhân dân gian lão thành. Nhưng khi truyền dạy, chúng tôi cố gắng không biến học viên thành các cụ. Bởi hát văn cũng có những phong cách riêng và nếu để giới trẻ đam mê thì phải phù hợp với sự phát triển của cuộc sống. Không phải dễ gì có được thứ âm nhạc có thể khiến người ta mê mẩn trong suốt buổi diễn kéo dài từ 6 giờ tối đến 2 giờ sáng mới về. Chính vì thế tôi dạy hát văn với mong muốn các bạn trẻ hiểu về nhịp, phách, làn điệu chuẩn chỉnh và điều quan trọng là phải hiểu được thực sự ý nghĩa của hát văn để bảo tồn và lưu giữ một hình thức nghệ thuật tín ngưỡng độc đáo của dân tộc"...
Bài, ảnh: Thu Huyền