Ông Quỹ bồi hồi kể lại: Năm 1962, ông đang học lớp 7, sắp đến ngày thi tốt nghiệp cấp 2 thì có giấy gọi đi học lớp công nhân kỹ thuật tại sông Cấm, Hải Phòng. Học được mấy tháng về kỹ thuật vận hành nhà máy nhiệt điện ông được cử về Nhà máy điện sông Cấm (Hải Phòng). Vào 8/1964 xảy ra sự kiện vịnh Bắc Bộ, không quân Mỹ bắt đầu chiến dịch đánh phá miền Bắc bằng việc ném bom một số cửa biển quan trọng, trong đó có Hải Phòng. Ông Quỹ lúc này mới 23 tuổi, đang là công nhân nhiệt điện, được phân làm kíp trưởng.
Vinh dự năm 1966 ông được kết nạp Đảng. Trước tình hình đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ, toàn miền Bắc như sục sôi, các bản tin hàng ngày của Đài tiếng nói Việt Nam đều nói về sự thương vong của người dân và tinh thần chống trả ngoan cường của quân dân miền Bắc, không hề run sợ trước giặc Mỹ. Trong không khí ấy, ngành Điện đã phát động phong trào. "Giữ cho dòng điện không bao giờ tắt" nhằm phục vụ nhiệm vụ sản xuất và chiến đấu. Hưởng ứng tinh thần ấy, chàng thanh niên Phạm Ngọc Quỹ cùng nhiều đoàn viên, thanh niên Nhà máy điện đã xung phong vào Ban trực máy thực hiện quyết tâm của ngành duy trì sản lượng điện. Có lần sau một đợt bom Mỹ, Nhà máy Nhiệt điện sông Cấm bị đánh phá tan tành, nhà máy tạm ngừng hoạt động, ông Quỹ được ngành Điện Hải Phòng điều động về Nhà máy Điện Thượng Lý (quận Hồng Bàng). Về Thượng Lý, ông Quỹ vừa tiếp tục sản xuất vừa kiêm thêm nhiệm vụ Tiểu đội trưởng Tiểu đội pháo 12 ly 7, trực chiến chống máy bay Mỹ phá hoại. Cũng trong năm ấy Nhà máy Điện Thượng Lý nhiều lần bị dội bom, 20 công nhân đang trong ca sản xuất bị kẹt ở hầm lò. Ông Quỹ đã cùng đội tự vệ của nhà máy vừa bắn trả máy bay Mỹ, vừa đào bới trong đống đổ nát để tiếp cứu 20 người đồng nghiệp. Sau chiến dịch ấy, nhiều công nhân được khen thưởng, còn ông Quỹ được Chi bộ Nhà máy chuyển Đảng chính thức (tháng 4/1967).
Tháng 9/1967, giặc Mỹ tăng cường ném bom Hải Phòng, thành phố Hải Phòng đã lập ra đội phá bom nổ chậm, ông Quỹ lúc này đang là Bí thư Đoàn nhà máy đã cùng với một đoàn viên tên là Thắng xung phong vào đội phá bom của thành phố Cảng. Đội phá bom của ông Quỹ trong suốt thời gian này đã phá nhiều bom tại khu vực sông Cấm bằng bộc phá. Vào tháng 11/1967, Nhà máy Điện Thượng Lý lại bị dội bom. Một quả bom hẹn giờ rơi sát hông lò máy. Quả bom khổng lồ này cũng không biết khi nào phát nổ nhưng có một điều chắc chắn nếu bom nổ toàn bộ thiết bị lò hơi sẽ bị phá hủy, nhà máy sẽ phải ngừng hoạt động. Lại phải nói thêm rằng, vào thời điểm đó, cả thành phố Hải Phòng chỉ còn duy nhất Nhà máy Điện Thượng Lý. Nếu Nhà máy bị phá hủy thì nguồn điện cho thành phố cũng mất. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc phong trào "Giữ cho dòng điện không bao giờ tắt" của ngành Điện Hải Phòng không thực hiện được.
Đứng trước nhiệm vụ khó khăn đó, Chi bộ và Ban giám đốc nhà máy rất lo lắng nhưng đã hạ quyết tâm phải cứu được nhà máy. Vấn đề là ở chỗ, ai sẽ là người thực hiện việc phá trái bom khổng lồ kia. Việc gỡ trái bom có thể có những rủi ro, quả bom có thể phát nổ bất cứ lúc nào, người gỡ bom có thể phải hy sinh. Nhiều vấn đề được đặt ra. Sự việc đã được báo cáo lên Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng. Thời điểm này ông Phạm Ngọc Quỹ đang là Bí thư Đoàn thanh niên của nhà máy, với tinh thần cảm tử "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" ông đã tự nguyện xung phong vào phá bom. Cùng thực hiện nhiệm vụ nguy hiểm với ông Quỹ còn có một đoàn viên của Nhà máy tên là Thắng. Trước nhiệm vụ có thể dẫn đến việc hy sinh, trước giờ đoàn viên Quỹ và Thắng vào làm nhiệm vụ, Thành ủy Hải Phòng cùng toàn thể cán bộ công nhân viên Nhà máy Điện Thượng Lý đã làm lễ "truy điệu sống" cho ông Quỹ và Thắng. Phút giây ông Quỹ và Thắng thực hiện việc bới đất quanh quả bom là quãng thời gian dài. Trong khi hai người mồ hôi vã ra như tắm, tâm lý cực kỳ căng thẳng thì phía bên ngoài các vị lãnh đạo Thành ủy, Ban lãnh đạo nhà máy theo dõi sự việc cũng nín thở, không khí căng như dây đàn. Ông Quỹ cho biết, theo như hướng dẫn của phía công binh thì loại bom kiểu này thường có đầu nổ và dây dẫn nổ. Quá trình tháo bom nếu người tháo cắt đúng được dây điện thì quả bom sẽ xì khói và bị vô hiệu hóa, tuy nhiên trong trường hợp ngược lại, trái bom sẽ phát nổ ngay và sức công phá cực kỳ ghê gớm. Sau một phút định thần, ở giữa lằn ranh sống- chết, hai ông đã quyết định thực hiện việc cắt dây điện của bộ phận đầu nổ. Vài giây sau quả bom xì khói, việc gỡ bom thành công, nhà máy được cứu. Ông Quỹ và Thắng đã ôm nhau khóc. Phía ngoài công nhân hò reo, Ban lãnh đạo Thành ủy và Nhà máy đã chạy ùa vào chúc mừng hai người- hai chiến sỹ cảm tử đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Sau chiến công ấy, ông Quỹ và người bạn đã được Thành ủy, Thanh đoàn Hải Phòng, Nhà máy khen thưởng, được dự Hội nghị chiến sỹ thi đua toàn ngành Điện tại Đại học Bách khoa Hà Nội vào 15/7/1968. Sau đó ông Quỹ còn công tác tại Nhà máy Điện Thượng Lý đến năm 1971. Tháng 8/1971, phía Trung Quốc giúp đỡ xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình, ông Quỹ được ngành điện cử sang nước bạn tiếp thu các kỹ thuật lắp đặt và vận hành các thiết bị của Nhiệt điện Ninh Bình, rồi chuyển hẳn về Nhiệt điện Ninh Bình làm việc. Ông Quỹ đã công tác tại Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình từ 1971 cho đến năm 2003 thì nghỉ hưu.
Về quê hương xã Ninh Hòa, ông Quỹ lại được Đảng ủy xã tín nhiệm giao giữ chức Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã cho đến năm 2018.
Hàng năm, vào dịp nghỉ lễ 30/4, trên địa bàn cả nước lại diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm, tri ân... Để có được chiến thắng 30/4, đất nước đã phải trải qua biết bao nhiêu khó khăn gian khổ và sự hy sinh xương máu của bao nhiêu thế hệ người dân Việt Nam. Trong đó có những con người bình thường nhưng việc làm thì vô cùng anh dũng như ông Phạm Ngọc Quỹ. Họ đã góp phần để dân tộc Việt Nam làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Mai Phương