Giống cây được trồng là cây Trang (hay còn gọi là cây Vẹt). Sau hơn 2 tháng trồng, do điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi và đảm bảo đúng quy trình, kỹ thuật khi trồng nên diện tích rừng ngập mặn đang phát triển tốt; tỷ lệ cây sống đạt hơn 90%, chiều cao của cây đã đạt từ 40 - 50cm.
Dự án "Trồng rừng ngập mặn - giảm thiểu rủi ro thảm họa" tại khu vực bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn được sự hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Ninh Bình đã triển khai từ năm 1997.
Qua gần 20 năm triển khai, đến nay Hội trữ thập đỏ tỉnh đã trồng và quản lý gần 240 ha rừng ngập mặn, góp phần quan trọng vào việc làm thay đổi thói quen, hành vi của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với thiên tai.
Hiệu quả trồng rừng ngập mặn tại khu vực bãi bồi ven biển có tác dụng bồi cao nền đất, hình thành nên một "bức tường xanh" vững chắc bảo vệ đê biển.
Qua các mùa bão lũ, triều cường, các đoạn đê biển có rừng ngập mặn che chắn đều không bị sạt lở, góp phần phòng ngừa thảm họa thiên nhiên. Chân đê được bồi tụ thêm đất giúp cho đê ngày càng vững chắc, giảm đáng kể chi phí tu bổ đê điều hàng năm, bảo vệ tốt cuộc sống của người dân vùng thường xuyên bị đe dọa bởi thiên tai.
Sau khi rừng được phục hồi, sinh vật biển trong rừng ngập mặn ngày càng phong phú, đa dạng hơn về thành phần loài, số lượng cá thể…, giúp tăng thu nhập của những người dân trong vùng thụ hưởng dự án.
Tiến Minh