Hiện nay, trên địa bàn huyện có nhiều làng nghề cói được công nhận làng nghề truyền thống; hàng chục doanh nghiệp chiếu cói lớn, như: Kim Long, Đại Đồng, Năng Động, Đổi Mới, Quang Minh, Xuân Hòa… Đã xuất khẩu không biết bao nhiêu lô hàng tới các nước xã hội chủ nghĩa và Liên Xô thời kỳ trước năm 1990 và châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Để có được một sản phẩm cói mỹ nghệ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, kĩ thuật trồng và sản xuất cói của Kim Sơn cũng khá đặc biệt. Đó là cả một quy trình công phu, tỉ mỉ và chính xác ngay từ lúc trồng cói, thu hoạch cói, chọn cói, chẻ cói, phơi cói, nhuộm cói…cho đến khâu cuối cùng là đan và hoàn thiện sản phẩm.
Vào vụ thu hoạch cói, người trồng cói đưa máy móc ra tận ruộng cói, sau khi cắt cói, họ tổ chức sơ chế ngay tại ruộng. Do có máy móc hỗ trợ, công đoạn này được làm nhanh hơn, vừa đỡ mất sức của người lao động, vừa đảm bảo chất lượng cói tốt hơn do thu hoạch nhanh gọn.
Cói nguyên liệu sau khi sơ chế tại ruộng, được đưa về phơi khô. Tiếp đó sơ chế lại, tiến hành nhuộm thủ công để có được màu sắc như ý. Qua một công đoạn sấy khô nữa thì ra được cói nguyên liệu hoàn chỉnh.
Từ đây cói nguyên liệu hoàn chỉnh được dùng để đan các mặt hàng mỹ nghệ tiêu thụ trong nước và để xuất khẩu.
Người dân Kim Sơn sống trong cái nôi làng nghề cói từ cách đây hàng trăm năm nên vô cùng khéo léo trong việc tạo ra những sản phẩm cói. Đến nay, họ vẫn dùng phương pháp thủ công truyền thống để dệt chiếu.
Ngoài việc dệt nên những chiếc chiếu cải, chiếu đậu… chất lượng cao, nhiều hoa văn họa tiết truyền thống như chữ Hỷ, chữ Thọ, họ còn sang tạo ra nhiều hạo tiết hoa văn hiện đại, phong phú.
Vượt ra ngoài thị trường truyền thống là sản xuất hàng xuất khẩu. Trước đây, thị trường lớn là Liên Xô, Đông Âu. Đến thập kỷ 90 của thế kỷ XX, do sự biến động của thị trường Đông Âu, hàng cói đã có bước đột biến chuyển đổi sang hướng sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ bao gồm: khay, hộp, đĩa, tách, túi xách…gồm nhiều chủng loại, kích thước và hàng nghìn mẫu mã với kỹ thuật tinh xảo, đáp ứng được thị hiếu của thị trường châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Trong ảnh: Những người nông dân cũng chính là những người thợ lành nghề, cần cù đan cói, hoàn thiện sản phẩm để tạo nên những sản phẩm xuất khẩu.
Duy Hán