Theo đồng chí Trần Thị Mão, Phó chủ tịch Hội Phụ nữ huyện, đến nay Hội Phụ nữ Yên Mô đã có hơn 6.400 hội viên phụ nữ được vay vốn từ NHCSXH với tổng dư nợ gần 52 tỷ đồng. Điều đáng mừng là tỷ lệ nợ quá hạn của chị em rất thấp, chỉ chiếm khoảng 0,01%, đa số nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. Trong quá trình nhận vốn vay ủy thác cho hội viên, các cấp Hội đã thực hiện nghiêm túc quy trình cho vay từ bình xét, giải ngân đến thu hồi nợ, lãi. Kết hợp với Phòng giao dịch NHCSXH huyện thường xuyên theo dõi, chấn chỉnh những sai sót của các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) do Hội Phụ nữ quản lý trên các địa bàn dân cư. Vì vậy, hoạt động của tổ TK&VV luôn đúng định hướng, sử dụng vốn vay hiệu quả, hạn chế việc chậm trả vốn, trả lãi Hàng tháng, Hội đều tổ chức sinh hoạt để kịp thời nắm bắt nhu cầu về vốn vay, tâm tư, tình cảm của chị em nhằm kịp thời động viên, hỗ trợ. Chẳng hạn, có chị vay vốn vì lý do nào không trả được lãi cho tổ trưởng, tổ trưởng sẽ báo với chi hội phụ nữ, chi hội sẽ đến tận nhà tìm hiểu công việc làm ăn của người vay vốn, và đưa ra những lời khuyên cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn trước mắt cho chị em. Không chỉ cung cấp vốn bằng việc ký kết hợp đồng thông qua các chương trình, dự án, hàng năm Hội Phụ nữ Yên Mô còn phối hợp với NHCSXH tổ chức bồi dưỡng kiến thức quản lý vốn cho cán bộ tổ TK&VV. Đặc biệt, Hội rất quan tâm đến phụ nữ nghèo làm chủ hộ, hiện nay hầu hết số phụ nữ này đã được vay vốn thông qua hệ thống của Hội phụ nữ. Trong năm qua, Hội Phụ nữ huyện đã tổ chức nhiều lớp dạy nghề may công nghiệp, đan bèo, đan cói, thêu ren, làm nấm… Hội còn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cùng các doanh nghiệp chuyển giao KHKT về chăn nuôi gia súc, gia cầm... Được hỗ trợ vốn và kiến thức, nhiều chị em đã đầu tư vào các loại hình sản xuất, kinh doanh như chăn nuôi lợn, gà, đào ao thả cá, cải tạo vườn tạp, trồng cây, nuôi con mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nguồn vốn vay trung bình chỉ từ 4 triệu đồng đến 15 triệu đồng/hộ tùy theo từng chương trình, nhưng nhu cầu vay vốn của phụ nữ từ NHCSXH vẫn tăng cao; một phần do lãi suất thấp, một phần nguồn vốn vay nhỏ đã giảm bớt tâm lý "gánh nặng trả nợ" của nông dân, tạo sự yên tâm đầu tư chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp và kinh doanh dịch vụ nhỏ. Gia đình chị Lê Thị Nga, xóm 4, xã Yên Mỹ, đầu năm 2006, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là Hội Phụ nữ xã, gia đình chị được vay 5 triệu đồng để nuôi lợn và làm dịch vụ máy xay xát. Giờ đây, gia đình chị Nga đã phát triển chăn nuôi với đàn lợn trên 10 con, ổn định cuộc sống, có tiền nuôi 3 con học đại học.
Việc giúp phụ nữ có vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo của Hội Phụ nữ và NHCSXH huyện Yên Mô là cách làm hiệu quả, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung trong toàn huyện. Kết quả đạt được từ dịch vụ ủy thác cho vay hộ nghèo thể hiện sự quyết tâm cao của các cấp Hội phụ nữ huyện với mong muốn đem lại hiệu quả vay vốn cao nhất, cải thiện đời sống hội viên phụ nữ. Cũng nhờ hoạt động này đã tạo điều kiện cho chị em có nhiều cơ hội tiếp cận với cách làm ăn mới trong cơ chế thị trường, có nguồn vốn quay vòng tạo thu nhập chính đáng, góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của huyện.
Bài, ảnh: Quốc Khang