Sau gần 2 năm thực hiện, nhờ sự nỗ lực của các cấp, các ngành và bản thân các hộ nghèo, đến cuối năm 2008, số hộ nghèo của tỉnh đã giảm xuống 9% và dự kiến đến cuối năm 2009 chỉ còn dưới 8%. Đây là một trong những thành tựu quan trọng của Ninh Bình trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Đạt được kết quả này, có sự đóng góp từ "kênh" tín dụng ưu đãi cho vay giải quyết việc làm và xóa đói, giảm nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, khi mà điều kiện nguồn vốn huy động tại địa phương cho mục tiêu chương trình này còn không ít khó khăn.
Đồng chí Lê Hữu Báu, Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ngân hàng đã tổ chức giải ngân kịp thời nguồn vốn do ngân sách tỉnh chuyển sang để tạo điều kiện cho hộ nghèo ở 23 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao vay vốn phát triển sản xuất. Đồng thời tích cực tranh thủ nguồn vốn Trung ương cho 6.513 hộ vay với số tiền 76,17 tỷ đồng, đưa dư nợ cho vay của 23 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao lên 133,12 tỷ đồng.
Nhằm khuyến khích và tạo điều kiện để người dân các xã nghèo được đi xuất khẩu lao động, Ngân hàng đã chuẩn bị đủ nguồn vốn với mức cho vay từ 30-50 triệu đồng/người, trong đó có 13 hộ được hỗ trợ từ nguồn vốn của ngân sách tỉnh. Bên cạnh đó, nhằm giảm bớt những khó khăn đối với các hộ nghèo, UBND tỉnh đã có cơ chế để hỗ trợ lãi suất cho vay hộ nghèo ở các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Căn cứ vào danh sách bình xét và phê duyệt năm 2008, Ngân hàng đã làm thủ tục hỗ trợ lãi suất cho các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền trên 456 triệu đồng.
Hầu hết nguồn vốn được giải ngân đều được ủy thác và lồng ghép vào các chương trình, dự án của các cấp Hội, đoàn thể nên rất phù hợp với nhu cầu việc làm của từng thành viên tham gia. Đồng thời, thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn được thành lập ở từng thôn, xã và được Ban xóa đói, giảm nghèo xã, phường trực tiếp kiểm tra, quản lý thông qua các tổ trưởng nên tình trạng sử dụng vốn vay sai mục đích được hạn chế đến mức thấp nhất. Đến nay, nguồn vốn ưu đãi đã đến được những xã vùng sâu, vùng xa, mỗi khu vực xã cách trung tâm huyện lỵ 3 km đều được NHCSXH hình thành điểm giao dịch để đôn đốc quá trình sử dụng vốn cũng như việc thu hồi nợ gốc và lãi khi đến hạn.
Cùng với đó, các chương trình, dự án hỗ trợ người nghèo của tỉnh như phát triển cơ cấu hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn; đầu tư phát triển kinh tế tạo cơ hội cho người nghèo có thêm việc làm; tăng nguồn vốn ưu đãi đến tay người nghèo kết hợp hướng dẫn người nghèo biết cách làm ăn… cũng được triển khai. NHCSXH tỉnh đã tham gia hầu hết các chương trình phát triển kinh tế lớn khu vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế nông nghiệp ở tỉnh ta. Bằng việc lồng ghép các chương trình cho vay xóa đói, giảm nghèo, vốn NHCSXH đã có mặt ở khắp ở các địa phương trong tỉnh. Nhiều hộ gia đình được vay vốn của NHCSXH đã đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh thu hút và tạo việc làm cho nhiều lao động, tăng thu nhập góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Vốn ưu đãi hộ nghèo được thực hiện bình xét công khai, dân chủ thông qua chính quyền thôn, phường, xã, thông qua các tổ chức chính trị - xã hội nên đã thực sự đến với các hộ nghèo thiếu vốn sản xuất. Được vay vốn, được tư vấn giúp đỡ về phương hướng, cách thức sản xuất, đa số hộ nghèo đã làm ăn có hiệu quả và vươn lên thoát nghèo. ở khắp mọi vùng miền, thôn bản, vùng sâu, vùng xa đã và đang xuất hiện nhiều hộ vay vốn sử dụng có hiệu quả, vươn lên hộ khá giả. Qua đó góp phần quan trọng trong việc thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo của tỉnh.
Nói về tác động của đồng vốn do NHCSXH tỉnh mang lại, anh Phùng Duy Ba, xã Ninh Xuân (huyện Hoa Lư) cho biết: Mặc dù lượng vốn mà Ngân hàng cho anh vay chưa nhiều nhưng là động lực quan trọng giúp anh vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Trước năm 2000, gia đình anh còn nằm trong diện hộ nghèo, chỉ trông vào mấy sào ruộng, cuộc sống gặp không ít khó khăn. Từ nguồn vốn vay của NHCSXH, gia đình anh phát triển kinh tế trang trại và kinh doanh dịch vụ. Đến nay, gia đình anh đã thoát nghèo, không những trả được nợ cho Ngân hàng mà còn xây dựng được cơ ngơi khang trang.
Trong năm 2008, NHCSXH tỉnh đã tranh thủ tối đa nguồn vốn từ NHCSXH Việt Nam đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Đồng thời phối hợp tốt với các sở, ban, ngành để giải ngân kịp thời, đúng đối tượng, góp phần thực hiện có hiệu quả về công tác giảm nghèo.
Bài, ảnh: Ngọc Tân