Với ông Lý Văn Lượng, xóm 2, xã Liên Sơn (huyện Gia Viễn), quả cau chính là cơm, áo của gia đình ông hơn 20 năm nay. Theo chân ông đi tìm một buồng cau theo đơn đặt hàng đám cưới, ông cho biết, quãng thời gian này chỉ có cau liên phòng. So với cau mùa vụ, thì cau liên phòng không đẹp và không ngon bằng. Bởi vậy để tìm được buồng cau đẹp cho đám cưới thì cũng khó. Cũng theo ông Lượng, một buồng cau được cho là đẹp phải đảm bảo các tiêu chuẩn như quả đều, tròn, xanh bóng và có nhiều râu.
Ông Lượng nói, có bao nghề để ông lựa chọn, nhưng ông vẫn gắn với nghề buôn cau, bởi cau đã giúp gia đình ông thoát khỏi đói nghèo, có điều kiện chăm lo cho con cái ăn học. Ông bảo, những năm 90 của thế kỷ trước, cau còn hiếm nên rất được giá. Một buồng cau đáng giá bằng vài thùng lúa. Bởi thế, buôn cau được coi là nghề sống khỏe. Hàng ngày, ông đạp xe đi khắp các vùng quê trong tỉnh để gom cau. Hầu như vùng nào cũng trồng cau, nhưng trồng nhiều nhất vẫn là huyện Nho Quan và Gia Viễn.
Gom đủ tạ cau là vừa sức cho một chuyến xe thồ, ông Lượng đưa cau đi tiêu thụ cho các đầu mối ở thị xã Ninh Bình hoặc Phủ Lý (Hà Nam). Thời ấy, cau chủ yếu được tiêu thụ ở nội địa chứ chưa "đi" xuất khẩu như bây giờ. Đặc biệt, nhu cầu mua cau về ăn trầu thuốc cũng rất lớn. Nhỏ bé, đơn sơ, nhưng miếng trầu, quả cau trở thành "đại sứ thiện chí" góp mặt ở nhiều sự kiện quan trọng như: tiệc cưới có đĩa trầu để chia vui với xóm giềng, miếng trầu giúp người lạ trở nên thân quen, giúp người quen trở thành tri ân, tri kỷ. Miếng trầu giúp đàn ông thêm ấm áp khi đi làm thủy lợi trong tiết trời đông buốt giá, giúp phụ nữ thêm thắm, thêm duyên, thêm dẻo dai tay cấy. Miếng trầu còn giúp con cháu bày tỏ lòng hiếu kính với thế hệ trước qua mâm cỗ thờ cúng gia tiên. Khách đến chơi nhà thì cùng với chén nước chè, nước vối xanh ngắt bao giờ cũng có đĩa trầu mang ra thiết đãi khách.Thậm chí, con cái đi ăn cỗ có nghĩ về cha mẹ thì cũng lấy phần cho quả cau, miếng trầu, thế là các cụ vui lắm.
Ở các phiên chợ quê, hàng cau đi kèm với lá trầu, vỏ chay, thuốc lào… luôn đắt khách. Khách hàng rất đa dạng, đó là những cụ cao tuổi hoặc con cái mua về làm thức quà cho ông bà, cha mẹ. Cau ăn thì không cần đẹp lắm, nhưng phải ngon. Cau bánh tẻ là ăn ngon nhất, khi ăn thấy giòn, dẻo, thơm. Đôi khi, những người đã "nghiện" ăn trầu lại thích cái vị say say của cau. Thời ấy, quanh năm bận rộn việc nhà nông nên người dân chẳng mấy khi ra đến chợ. Bởi vậy, để có cau ăn quanh năm, thì vào chính vụ cau (tháng 9, tháng 10 âm lịch) nhà ai cũng mua vài buồng cau, về bổ quả cau làm sáu, tranh thủ cái nắng hanh hao của mùa thu mà phơi cau thật khô rồi bỏ vào lọ sành, nút lá chuối thật kỹ để dùng dần.
Ông Lượng kể, ngày xưa, khi tóc còn để chỏm, trẻ con thế hệ ông rất thích nhìn ông bà, bố mẹ nhai trầu. Ai ăn trầu môi cũng đỏ thắm, hàm răng đen bóng, chắc chắn, khỏe mạnh. Có lần "học đòi", bọn trẻ cũng lén lấy miếng trầu rồi ra sức mà nhai. Vị cay của trầu, vị nồng của vôi làm chúng say nghiêng ngả. Sau lần say đó thì bọn trẻ cạch luôn nhai trầu. Nhưng bọn trẻ cũng láu cá, mỗi khi thèm ăn trầu, chúng đợi ông bà nhai đến khi trầu đỏ tươi rồi mon men đến xin lại…cái bã trầu để nhai lại. Hơn 20 năm gắn với nghề buôn cau, ông Lượng bảo, giá cau lúc cao, lúc thấp, nhưng nhu cầu sử dụng cau thì chưa bao giờ giảm. Ngày nay, bên cạnh việc phục vụ những việc đình, đám, cau còn là mặt hàng xuất khẩu sang các nước lân cận. Những hộ trồng cau vì thế cũng nhiều hơn, thậm chí có nhà trồng vài trăm gốc cau.
Ông Tiệp, chủ của 150 gốc cau ở xóm 5, xã Liên Sơn cho biết: ban đầu, gia đình chỉ trồng vài chục gốc cau. Đến kỳ thu hoạch, vườn cau cho thu nhập khá nên tôi lại nhân giống ra trồng đến hàng trăm cây. Trồng cau không khó. Chỉ cần chọn những quả cau giống thật đẹp, đợi khi cau già thì ươm xuống đất. Đợi khi cau cao khoảng 40- 50 phân thì trồng thành một vùng cau. Đến khi cau cao chừng 1m thì bứng cây ra vị trí cố định. Phải theo đúng kỹ thuật thì dóng cau sẽ chậm cao, cau sẽ trẻ lâu. Những năm trở lại đây, giá cau có xu hướng giảm, nhất là vào thời điểm chính vụ. Tuy vậy, chưa khi nào ông Tiệp có ý định phá bỏ vườn cau. Bởi theo ông, hình ảnh cây cau khẳng khiu, gầy guộc mà dẻo dai, bền bỉ chống chọi với bão táp đã trở thành một phần thân thương của gia đình ông.
Tuy nhu cầu sử dụng cau ngày nay cao hơn, song trên thực tế, việc dùng cau để ăn trầu thì lại rất ít bởi tục ăn trầu đã mai một dần. Chỉ còn vài nơi và chỉ một bộ phận những người cao tuổi mới ăn trầu. Giới trẻ thì hầu như không biết ăn trầu. ở những đám hiếu, đám hỉ bây giờ cau chỉ là "lễ vật", chứ ít gia đình bày đĩa trầu mời khách. Trong đám cưới, trên bàn khách chỉ đặt có đĩa hạt dưa, hạt hướng dương và đĩa kẹo đủ màu sắc nhưng thiếu đĩa trầu mời khách và tuyệt nhiên, cũng hiếm khi thấy người ta chia nhau ăn một miếng trầu. Như lẽ tất yếu, những vật bình dị, đơn sơ như chiếc bình vôi, cơi trầu trước đây gần gũi là vậy mà ngày nay đã trở thành… của hiếm.
Trong ánh chiều chạng vạng, nông dân Lý Văn Lượng cẩn thận bọc buồng cau liên phòng vào túi đưa lên xe. Ông bảo phải bọc vậy mới giữ được cau tươi và chống rụng quả. Con người đã hơn 20 năm găn bó với nghề buôn cau ấy thở dài bảo, cẩn thận thế nhưng sau lễ cưới hỏi, buồng cau này may thì được xé nhỏ đem biếu các cụ già còn ăn trầu, nhưng giờ thì thường người ta bỏ cho quả cau khô quắt, trước khi vứt bỏ, "xót lòng lắm" - ông bảo thế trước khi quày quả quay xe đưa cau đi bán.
Đào Hằng