Anh Đinh Văn T. , phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) đang là lao động chính trong nhà nuôi 4 miệng ăn, công việc của vợ thì may vá bấp bênh. Lần tất niên năm 2017, anh đi liên hoan cùng bạn bè và uống khá nhiều. Ngà ngà say nhưng vẫn biết mọi chuyện, anh nhất mực đi xe máy về, nghĩ nhà chỉ cách vài km chả mấy chốc mà về tới nơi. Đi được nửa đoạn đường, rượu ngấm hơn, anh thấy mọi thứ lòa nhòa trước mắt, nhưng rồi lại nghĩ, cứ cố chút nữa về đến nhà nghỉ ngơi 1 thể. Ai ngờ, trong cơn chấp choáng, xe tải đỗ trước mặt lại nghĩ xe đang chạy nên tông vào đuôi xe chấn thương toàn thân, nặng nhất là tay phải gẫy lìa không cứu chữa được. Được cấp cứu kịp thời nên anh giữ được tính mạng sau gần năm trời điều trị với số tiền gần trăm triệu đồng. Giờ mọi việc phải tập làm quen bằng tay trái nên không khi nào anh nguôi nỗi ân hận về việc uống rượu say mà vẫn lái xe, không chỉ làm khổ vợ con mà còn lỡ làng cả cuộc đời.
Trong buổi tập huấn về kỹ năng tuyên truyền lạm dụng đồ uống có cồn, phòng chống tai nạn giao thông và kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu tai nạn giao thông, ông Vũ Văn Cẩn, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Theo nghiên cứu về thực trạng sử dụng rượu, bia tại Việt Nam do Bộ Y tế công bố mới đây, tỷ lệ nam giới nước ta sử dụng rượu, bia đang ở mức cao nhất trên thế giới; đặc biệt, có 44,2% số người sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại cho sức khỏe. Trong số người uống rượu, bia có tới 45% tham gia lái xe trong vòng hai giờ đồng hồ sau uống. Theo thống kê từ các bệnh viện, 36% nạn nhân tai nạn giao thông đi xe máy có nồng độ cồn cao hơn mức cho phép, còn với người đi ô tô là 66%. Việc uống rượu, bia không chỉ tác động tiêu cực đến tình hình trật tự an toàn giao thông, an ninh xã hội; sử dụng rượu, bia quá liều lượng còn ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe mỗi người. Do vậy, mỗi cá nhân cần có ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện nghiêm quy định không uống rượu, bia khi lái xe, góp phần đảm bảo an toàn cho bản thân mình và cả những người cùng tham gia giao thông.
Cũng theo ông Vũ Văn Cẩn, qua đánh giá của các ngành chức năng, cùng với các biện pháp siết chặt kiểm tra, quản lý, công tác truyền thông có vai trò quan trọng để nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của việc lạm dụng đồ uống có cồn. Đặc biệt, với trách nhiệm của mình, hàng năm, ngành Y tế đã tổ chức các lớp tập huấn với mục đích nâng cao năng lực, hiệu quả công tác tuyên truyền phòng chống tác hại của việc uống rượu bia cho đội ngũ cán bộ y tế, cộng tác viên y tế trên địa bàn tỉnh, từ đó lực lượng này sẽ là hạt nhân tuyên truyền tăng cường công tác truyền thông nhằm giảm thiểu nguy cơ uống rượu bia gây tai nạn giao thông.
Chị Nguyễn Thị Thúy, cộng tác viên y tế phường Tân Thành (thành phố Ninh Bình), học viên lớp tập huấn về kỹ năng tuyên truyền lạm dụng đồ uống có cồn, phòng chống tai nạn giao thông và kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu tai nạn giao thông cho rằng, qua lớp tập huấn, chị và các cán bộ y tế, cộng tác viên y tế có thêm những hiểu biết, các kiến thức, định lượng về đơn vị rượu, cồn; các kỹ năng tuyên truyền trong cộng đồng; kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu cho người sử dụng đồ uống có cồn bị tai nạn giao thông. Đồng thời, lớp tập huấn cũng là dịp để mỗi học viên được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về cách làm hay, phương án xử lý kịp thời trong công tác tuyên truyền về lạm dụng đồ uống có cồn, công tác phòng chống TNGT ở mỗi địa phương; được trang bị các kỹ năng cần thiết trong việc sơ cấp cứu ban đầu TNGT… từ đó góp phần thúc đẩy thực hiện các hành vi có lợi, hướng đến bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.
Được biết, từ năm 2013, ngành Y tế Ninh Bình đã triển khai việc xây dựng một số mô hình điểm về tư vấn phòng, chống rượu, bia khi lái xe tại một số bệnh viện trên địa bàn tỉnh; mô hình cộng đồng an toàn về giao thông, phòng, chống rượu, bia khi lái xe tại một số địa phương. Tại các mô hình, đã có hàng trăm lượt bệnh nhân và người nhà người bệnh, các cá nhân được tư vấn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về sự cần thiết phải tham gia phòng, chống rượu, bia để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, hoạt động tuyên truyền này thường vẫn chỉ dừng ở các mô hình, ít được triển khai ra diện rộng, dẫn đến ý thức của một bộ phận người dân, nhất là nam giới còn hạn chế, vẫn sử dụng rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Trước tình trạng vẫn còn nhiều bệnh nhân nhập viện cấp cứu do tai nạn giao thông với nguyên nhân từ sử dụng rượu, bia, gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của bản thân và những người xung quanh, trở thành "gánh nặng" cho gia đình và xã hội. Hiện nay, cùng với hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn giao thông với thông điệp gửi đến cộng đồng: "Đã uống rượu bia thì không lái xe - Đã lái xe không uống rượu, bia"; ngành Công an cũng đã siết chặt hơn công tác kiểm tra, quản lý bằng việc đo nồng độ cồn và có mức xử phạt thật nặng nhằm hạn chế tình trạng vi phạm uống rượu, bia khi lái xe, từ đó phần nào giảm thiểu tai nạn giao thông do sử dụng đồ uống có cồn.
Các chuyên gia khuyến cáo nguy hiểm của việc lạm dụng chất có cồn (uống quá nhiều, đưa đến trạng thái ngà ngà say rồi say) sau đó điều khiển phương tiện giao thông. Đó là: Tầm nhìn (tức khả năng quan sát rõ ràng) và thính giác (nhận biết tiếng động cơ, tiếng còi, tiếng kêu la) bị chất uống có cồn tác động một cách tiêu cực, nhìn và nghe kém đi, nhận thấy mọi vật đều mờ ảo. Cùng với đó, sự cân bằng (tay lái, thể trạng) mất đi rõ rệt, phản xạ cũng mất luôn, người cầm lái không còn khả năng kiểm soát và phán đoán được tốc độ. Cũng do tác động của rượu, bia, người cầm lái thường phóng nhanh (do hưng phấn, tự tin hơn, liều lĩnh hơn). Nghiêm trọng nhất là trạng thái và cảm xúc sau khi lạm dụng chất có cồn đã thay đổi rất nhiều. Y học cho rằng đây là giai đoạn lượng cồn trong máu càng lúc càng cao dẫn đến lúng túng, lúc này người lạm dụng chất có cồn thấy hoa mắt, chóng mặt và lảo đảo. Khả năng sững sờ đến mất hẳn ý thức sẽ tạo rủi ro dẫn đến va chạm (tự gây tai nạn cho mình-gây tai nạn cho người và phương tiện khác), sau đó là các chấn thương- thương tật-tàn phế không còn khả năng tự sinh hoạt-tự lao động hoặc nặng nhất là tử vong, để lại hậu quả cho gia đình và xã hội.
Mỹ Hạnh