Tỷ lệ đăng ký các sự kiện hộ tịch tăng; giảm được việc đăng ký quá hạn các sự kiện hộ tịch. Về cơ bản, hệ thống dữ liệu hộ tịch được lưu trữ tương đối đầy đủ. Trình tự đăng ký hộ tịch được thực hiện theo đúng quy định. ý thức chấp hành pháp luật về hộ tịch của cán bộ, công chức và nhân dân được nâng cao. Qua khảo sát của Sở Tư pháp tại 3 đơn vị cấp huyện với hơn 60 phiếu khảo sát và 16 đơn vị cấp xã với 960 phiếu khảo sát ở 2 đối tượng là cán bộ phụ trách Tư pháp - hộ tịch và người dân cho thấy, 100% cán bộ tư pháp cấp huyện, xã đã được học tập nghiên cứu về công tác hộ tịch; 100% cán bộ tư pháp - hộ tịch đều thực hiện tốt việc lưu trữ, đăng ký sự kiện về hộ tịch đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Việc khai sinh đúng hạn đạt tỷ lệ 89%, đăng ký quá hạn 11%; kết hôn đạt tỷ lệ 95%, khai tử đúng hạn đạt 64%, quá hạn 46%. Các sự kiện về hộ tịch khác đạt tỷ lệ 95%.
Tuy nhiên, trong quá trình thi hành pháp luật trong lĩnh vực hộ tịch đối với UBND cấp huyện, thành phố, thị xã vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đó là: Một số hồ sơ hộ tịch còn chưa đảm bảo đầy đủ căn cứ pháp lý. Cán bộ tư pháp - hộ tịch còn viết nhầm các thông tin giữa sổ gốc và giấy tờ hộ tịch. Việc khai tử của người dân còn chậm so với quy định. Vi phạm về thời gian giải quyết; đăng ký hộ tịch sai thẩm quyền, việc quản lý hồ sơ, sổ, biểu mẫu đăng ký hộ tịch chưa đúng theo quy định. Việc lưu trữ sổ hộ tịch không đảm bảo dẫn đến hồ sơ bị hư hỏng. Tình hình xử lý các vi phạm trong lĩnh vực hộ tịch chủ yếu thực hiện bằng biện pháp yêu cầu, chấn chỉnh, khắc phục như: Bổ sung hồ sơ đăng ký, bổ sung thiếu sót trong việc ghi chép sổ hộ tịch... mà chưa thực hiện chế tài xử phạt. Nguyên nhân của các hạn chế trên là do nhận thức của người dân trong việc đăng ký hộ tịch còn hạn chế, do khó khăn về kinh tế ở một số xã nghèo, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn có các phong tục, tập quán lạc hậu, dẫn đến tình trạng thực hiện các thủ tục khai sinh, kết hôn, khai tử, nhận con nuôi chưa theo đúng các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, việc tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính về hộ tịch ở một số nơi còn chậm về thời gian.
Để thực hiện tốt công tác thi hành pháp luật trong việc quản lý hộ tịch, Sở Tư pháp đã xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác hộ tịch. Thường xuyên kiểm tra công tác hộ tịch của các xã, phường, thị trấn; kịp thời có văn bản hướng dẫn chỉ đạo nghiệp vụ, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong hoạt động hộ tịch tại các địa phương. Cán bộ tư pháp các cấp cần thực hiện tốt công tác tham mưu cho UBND cùng cấp xây dựng kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật ở phạm vi từng địa phương theo Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23-7-2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật. UBND các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong lĩnh vực đăng ký hộ tịch. UBND cấp huyện, xã phải bảo đảm đủ trang thiết bị phục vụ cho công tác hộ tịch như trang bị máy vi tính cho cán bộ làm công tác hộ tịch; thực hiện tin học hóa nối mạng liên thông từ cấp xã đến huyện, tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi, cập nhật và cung cấp thông tin nhanh chóng và chính xác. Từng bước nâng cao năng lực, hiệu quả công tác của đội ngũ công chức tư pháp hộ tịch, đáp ứng yêu cầu công tác tư pháp trong thời kỳ mới.
Trần Dũng