Chiều muộn, không gian ở Trung tâm Bảo trợ xã hội và công tác xã hội tỉnh thật thanh bình, đầm ấm. Những cụ già chuẩn bị đi ăn bữa tối, ở ngoài sân, bọn trẻ đi học về tíu tít chơi đùa cùng nhau. Trên chiếc cầu trượt, cô bé L.A thích thú trượt đi, trượt lại. Bé L.A mới 5 tuổi và mới vào sống ở Trung tâm từ hơn tháng nay. Hoàn cảnh của L.A rất đặc biệt, bố mẹ mất vì căn bệnh thế kỷ, bản thân bé cũng mắc HIV ngay từ khi mới sinh ra. Không cha mẹ, bé phải ở với bà ngoại già yếu. Thiếu thốn tình cảm của cha mẹ, thiếu thốn về vật chất và đặc biệt là tâm hồn bé bị tổn thương vì sự kỳ thị của những người hàng xóm thiếu hiểu biết về căn bệnh HIV. Ông Đoàn Văn Sửu, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh cho biết, hai tháng trước, Phòng công tác xã hội nhận được điện thoại xin trợ giúp của một cụ già ở xã Gia Tường (huyện Nho Quan). Sau khi kiểm định nguồn tin, chúng tôi đã về địa phương, làm việc với chính quyền và gia đình cụ già. Cụ già mong muốn được gửi cháu gái là L.A vào Trung tâm nhờ nuôi dưỡng. Đây là đối tượng cần được bảo vệ khẩn cấp, vì vậy chúng tôi đã đồng ý tiếp nhận bé. Từ khi được đưa vào Trung tâm, bé đã sớm hòa nhập và vui vẻ trở lại. Đây là lần đầu tiên chúng tôi tiếp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng có HIV, vì vậy Trung tâm đã mời cán bộ ở Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh về tư vấn cách chăm sóc và kỹ năng phòng tránh nguy cơ lây nhiễm cho cán bộ và các đối tượng trong Trung tâm. Bé đang ở độ tuổi đến lớp, sang năm bé sẽ vào lớp 1 vì vậy chúng tôi đang làm việc với một số trường học để tạo điều kiện cho bé được đến lớp.
Trường hợp bé L.A chỉ là 1 trong hàng chục trường hợp được trợ giúp khẩn cấp kể từ khi Phòng Công tác xã hội đi vào hoạt động từ cuối năm 2015. Để nhiều đối tượng biết đến sự ra đời và mục đích hoạt động của Phòng trong khoảng thời gian chưa dài đó là nỗ lực không ngừng của cán bộ Trung tâm và 6 thành viên của Phòng Công tác xã hội. Theo đó, Phòng tích cực phối hợp với các ngành, các địa phương đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền dưới nhiều hình thức, đồng thời huy động sự tham gia tích cực của các tổ chức hội, đoàn thể tại các địa phương. Nhờ đó, đã dần hình thành nên mối kết nối giữa Trung tâm với các địa phương trong việc tìm kiếm, giúp đỡ các đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp.
Ông Đoàn Văn Sửu, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh cho biết thêm, trước đây, hoạt động trợ giúp các đối tượng yếu thế đã được thực hiện. Tuy nhiên, do chưa có phòng chuyên môn nên mọi hoạt động chưa được bài bản, hiệu quả. Từ khi Phòng Công tác xã hội ra đời, công tác tư vấn, trợ giúp các đối tượng yếu thế được thực hiện rất bài bản, chuyên nghiệp. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, không chỉ được trang bị kiến thức, kỹ năng thông qua các buổi tập huấn mà mỗi cán bộ của Phòng Công tác xã hội đều tự nghiên cứu sâu về các lĩnh vực mà đối tượng cần trợ giúp như: Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật… để đưa ra sự trợ giúp chính xác về chế độ, chính sách và có kỹ năng giao tiếp với đối tượng. Với sự cần mẫn của các cán bộ phòng, tuy mới chỉ hơn 1 năm đi vào hoạt động, song Trung tâm thực sự trở thành "điểm đến" của nhiều đối tượng yếu thế. Nhiều cá nhân đã đến trực tiếp tham gia tư vấn, tham vấn, trợ giúp khẩn cấp, nhiều trẻ em bị lạc, mất nguồn nuôi dưỡng cũng được Phòng tham mưu, đề xuất với các cơ quan chức năng của tỉnh giải quyết chế độ như đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội, phối hợp với chính quyền địa phương và gia đình giúp họ trở về hòa nhập với cộng đồng; có nhiều hoàn cảnh khó khăn cũng đã được cán bộ Phòng và các tổ chức đoàn thể xã hội tích cực tư vấn để có các thỏa thuận hợp lý, hợp tình.
Anh Phạm Đức Hạnh, Trưởng phòng Công tác xã hội cho biết: Qua những lần tư vấn, điều chúng tôi nhận thấy rõ nhất là các đối tượng đều hiểu biết rất ít về các chính sách liên quan đến bản thân mình. Thời gian tới, không chỉ trợ giúp qua điện thoại, chúng tôi sẽ tổ chức các diễn đàn theo từng chủ đề, chủ điểm để tuyên truyền chính sách đến tận đối tượng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có trên 30.000 người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội; có nhiều người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhiều các đối tượng cần được trợ giúp khác. Bởi vậy, khi có nhu cầu tư vấn về các vấn đề liên quan hay có những thắc mắc về các chế độ, chính sách xã hội, người dân có thể gọi điện trực tiếp đến số điện thoại 0303 875 252 để được tư vấn trực tiếp và tham gia giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng