Việc xây dựng hương ước, quy ước nhằm phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư; bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp; hạn chế, loại bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư.
Trong những năm qua, trên cơ sở hướng dẫn của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tỉnh, Hội đồng PHPBPL các huyện, thành phố đã tham mưu cho UBND cùng cấp ban hành văn bản hướng dẫn quy trình xây dựng hương ước, quy ước theo đúng quy định. Các địa phương đã rà soát, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước cho phù hợp với quy định của pháp luật, tập quán của địa phương.
Đến nay, toàn tỉnh có 145/145 xã, phường, thị trấn có quy ước; 1.676/1.676 thôn, tổ dân phố có hương ước (đạt 100%) theo quy định của pháp luật. Căn cứ Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg và hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp đã tổ chức bàn giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước về Sở Văn hóa và Thể thao; chỉ đạo, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố, bàn giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước về phòng Văn hóa và Thể thao huyện, thành phố.
Các xã, phường, thị trấn và các thôn, xóm, bản làng, tổ dân phố đã tổ chức biên soạn, xây dựng hương ước, quy ước với những nội dung tập trung vào những vấn đề giúp người dân tham gia quản lý xã hội, tuân thủ các quy định pháp luật; bảo vệ tài sản Nhà nước, tài sản công, bảo vệ môi trường; bảo vệ thuần phong mỹ tục, bài trừ hủ tục, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan; xây dựng gia đình văn hóa, đời sống văn hóa ở khu dân cư; thực hiện các quy định của tỉnh về đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.
Quy định rõ những việc nhân dân được biết, được bàn. Trình tự xây dựng hương ước, quy ước được thực hiện nghiêm túc. Các thôn, bản, tổ dân phố đã thành lập Ban soạn thảo hương ước, quy ước gồm: Trưởng thôn, Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận và một số người có uy tín và kinh nghiệm sống, có trình độ văn hóa, hiểu biết về pháp luật và phong tục tập quán ở địa phương xây dựng dự thảo, lấy ý kiến đóng góp, gửi đến UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã để xem xét, trình UBND huyện phê duyệt. Sau khi hương ước, quy ước đã được phê duyệt, triển khai đến người dân để thực hiện.
Để nâng cao chất lượng thực hiện hương ước, quy ước, tỉnh cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện, trong đó phân công các đơn vị có liên quan, các địa phương tập trung tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các ngành, các cấp về việc xây dựng, duy trì và thực hiện hương ước, quy ước. Rà soát công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước, kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế những hương ước, quy ước vi phạm pháp luật, trái với đạo đức, truyền thống và thuần phong mỹ tục.
Thẩm định lại hương ước, quy ước. Tăng cường vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên trong thực hiện hương ước, quy ước. Chú trọng tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, cấp xã, phường, thị trấn. Quan tâm bố trí kinh phí để xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước. Khen thưởng kịp thời những đơn vị làm tốt và phê bình những đơn vị làm chưa tốt trong công tác xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, góp phần xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Trần Dũng