Đường về Cúc Phương hiện giờ rất thuận tiện và dễ đi. Nếu từ thành phố Ninh Bình, du khách có thể đi bằng 2 đường, từ quốc lộ 1A đến Gián Khẩu, đi qua huyện Gia Viễn theo quốc lộ 12 chừng 35km là đến cửa rừng. Con đường khác là theo tuyến Khu du lịch Tràng An dường như dễ đi hơn bởi đường được đổ bê tông rộng rãi và thoáng đãng. Con đường này theo hướng ngược để đến cửa rừng và không phải đi qua con dốc Sừng Bò thẳng đứng từ huyện Nho Quan lên. Hai bên đường về rừng Cúc Phương nhà cửa vẫn thưa thớt với những cánh đồng mênh mông, xa xa là dãy núi đá sừng sững tạo cho không gian ở đây thật thơ mộng và yên bình.
Vào đến cửa rừng, nhưng du khách cần đi thêm 15-20km nữa mới tới các điểm tham quan. Con đường nhỏ quanh co trong rừng rợp bóng cây tạo cảm giác mát mẻ, dễ chịu, trong lành đón chào du khách đầy mê hoặc. Bất chợt, những đàn bướm đầy màu sắc xuất hiện tạo nên những đốm sáng lấp lánh giữa màu xanh của rừng.
Tháng 4, tháng 5 là thời điểm những đàn bướm rừng Cúc Phương xuất hiện với hàng nghìn, hàng vạn con, đủ màu sắc, chủng loại theo chân du khách đi khắp các điểm tham quan. Chắc chắn du khách sẽ không thể cầm lòng mà không chụp cùng những chú bướm xinh và thân thiện bay rập rờn xung quanh và sẵn sàng đậu trên tay, mái tóc, trên vai, trên áo nếu du khách chịu khó đứng yên một chỗ.
Theo ông Trương Quang Bích, Giám đốc Vườn Quốc gia Cúc Phương, người có hàng chục năm gắn bó với khu rừng nguyên sinh lớn nhất, nhì cả nước, Vườn quốc gia Cúc Phương có diện tích trên 22 nghìn ha, bao gồm hơn 11 nghìn ha thuộc địa giới tỉnh Ninh Bình, gần 6 nghìn ha thuộc tỉnh Thanh Hóa và 5 nghìn ha thuộc tỉnh Hòa Bình.
3/4 diện tích vườn là núi đá vôi bao quanh, Vườn quốc gia có chiều dài khoảng 25km và rộng đến 10km, ở giữa có một thung lũng chạy dọc gần hết chiều dài của dãy núi, với hệ động vật phong phú, đa dạng, có nhiều loại chim, thú quý hiếm như: Hổ, báo, lợn lòi, các loài khỉ châu á... đặc biệt là một số loài nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới, như Voọc quần đùi trắng, Cầy vằn bắc, Báo hoa mai...
Thảm thực vật ở Cúc Phương hình thành nhiều tầng tán, các loại cây gỗ lớn như chò, đăng tới dây leo thân gỗ, phong lan... Đây là nơi lưu trú lý tưởng của hàng trăm loại chim về làm tổ và sinh sống. Không chỉ là khu bảo tàng sinh thái phong phú, Vườn quốc gia Cúc Phương còn là điểm du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn.
Các di vật của người tiền sử có niên đại khoảng 12.000 năm đã được phát hiện như mồ mả, rìu đá, mũi tên đá, dao bằng vỏ sò, dụng cụ xay nghiền... trong một số hang động ở đây chứng tỏ con người đã từng sinh sống tại khu vực này từ 7.000 đến 12.000 năm trước như: Động Người xưa, hang Con moong, động Phò mã...
Cũng theo các nhà nghiên cứu và quản lý Vườn quốc gia Cúc Phương thì, thời điểm lý tưởng nhất để đến Cúc Phương là những ngày nắng, khi mùa mưa đã đi qua, như vậy sẽ bớt muỗi và vắt. Rừng cũng thích hợp cho một chuyến đi dã ngoại vào 2 ngày cuối tuần, để du khách vừa có thể nghỉ ngơi trong không gian thoáng đãng của rừng già vừa có dịp tìm hiểu thêm về thiên nhiên xung quanh. Vào rừng, du khách có thể chọn cho mình nhiều điểm đến hoặc một vài điểm tham quan yêu thích để tìm hiểu, trải nghiệm.
Trong số đó có một số hoạt động mà du khách cần quan tâm khám phá như: Cắm trại và đi bộ trong rừng; xem động vật hoang dã vào ban đêm; đạp xe trong rừng; thăm các điểm đa dạng sinh học; thưởng thức chương trình văn nghệ dân tộc; bơi thuyền Kayak...
Mỗi năm, Vườn đón hàng triệu những người yêu thích thiên nhiên đến khám phá và trải nghiệm trong rừng. Có rất nhiều cách để du khách giải trí giữa không gian thoáng đãng, mát mẻ của rừng nguyên sinh. Một trong số đó là hoạt động cắm trại và đi bộ trong những con đường mòn nhỏ, tìm đến những loài cây quý hiếm trong khu rừng rậm rạp.
Năng động hơn, du khách có thể chọn hoạt động đạp xe xuyên rừng, tham gia một khóa du lịch ngắm chim, tìm về hang động người xưa hay đi trekking xuyên rừng già. Còn đơn giản và thư thái hơn nữa là ngồi thư giãn đung đưa nhịp chân trên chiếc xích đu ngay trước khu nhà nghỉ và cùng nhau mở một bữa tiệc nho nhỏ trong không gian xanh mướt của rừng già.
Du lịch rừng Cúc Phương khá hợp với những gia đình có con nhỏ và học sinh đang học phổ thông, bởi lúc này cha mẹ có thể dạy các con học về thiên nhiên, cho chúng biết về thế giới sinh vật như các loài côn trùng, các loài cây và những loài hoa dại…
Điều đáng ghi nhận ở rừng Cúc Phương là ý thức bảo vệ môi trường ở đây rất được Ban Quản lý rừng coi trọng, bằng chứng là dọc đường đi bộ trong rừng hay tại các khu, điểm tham quan có khá nhiều những hố rác mang hình thân cây hài hòa với cảnh quan được bố trí hợp lý, nhắc nhở du khách không quên trách nhiệm của mình cần xả rác đúng chỗ.
Sau một ngày tham quan và khám phá rừng già Cúc Phương với nhiều trải nghiệm thú vị, buổi tối, du khách có thể nghỉ chân tại khu nhà sàn với những phòng nghỉ nhỏ hoặc lớn tùy vào số lượng người, để rồi chọn cho mình bữa tối là những đặc sản của núi rừng.
Các nhà nghỉ, phòng ngủ ở đây không giống kiểu nhà cao tầng với các thiết bị công nghệ hiện đại mà các phòng được xây dựng tiện ích, nhỏ gọn trong không gian thoáng đãng, rất gần gũi với môi trường và đảm bảo sạch sẽ.
Về ẩm thực, khi đã đến với rừng, du khách nên chọn những món ăn độc đáo, mang bản sắc văn hóa địa phương như dê núi, gà rừng, ốc núi, xôi nếp, lợn mường, măng tươi, rau rừng… để cảm nhận được những món ăn được chế biến theo cách rất riêng, đậm đà bản sắc dân tộc và thực sự khác biệt so với những khu du lịch khác…
Du khách sẽ thưởng thức bữa tối trong khi màn đêm buông xuống rất nhanh giữa rừng núi hoang sơ. Vẻ tĩnh mịch của rừng già trong tiếng gió xào xạc của cây rừng thi thoảng lại văng vẳng bên tai tiếng chim chóc, tiếng dế kêu và đôi lúc lại nghe tiếng động bước chân ăn đêm của thú rừng, tạo cho du khách một chút rờn rợn, ghê ghê nhưng đầy thú vị, khám phá. Một cảm giác thật khác lạ so với bộn bề cuộc sống ngoài kia.
Chìm mình vào giấc ngủ giữa đại ngàn, du khách thấy mình ngủ sâu hơn, như khỏe hơn và chắc chắn không thể quên một lần được ngủ tại rừng Cúc Phương, cảm nhận sự tuyệt diệu của tạo hóa, thiên nhiên nơi núi rừng xanh thẳm, để rồi lưu luyến khi chia tay và lại mong một ngày không xa được trở về trong vòng tay của rừng già.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh