Sánh vai với các đối tác ở Singapore và Thái Lan, hiện nay nhiều bệnh viện tư của Malaysia đã có đủ điều kiện cả về vật chất lẫn đội ngũ y, bác sỹ chuyên nghiệp có tay nghề giỏi để phục vụ các bệnh nhân đến từ các nước. Những nỗ lực của Malaysia đã được ghi nhận khi số lượng người nước ngoài đến đây chữa bệnh tăng đáng kể từ năm 2003 tới nay. Trong năm 2007, con số này đã đạt 341.288 người với số tiền thu về là 253,84 triệu ringgit (76,92 triệu USD). Riêng trong 9 tháng đầu năm 2008, Malaysia đã thu hút được trên 282 nghìn người đến chữa bệnh với doanh thu khoảng 69,45 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Theo con số của năm 2007, 72% người bệnh đến từ Indonesia, 10% từ Singapore, 5% từ Nhật Bản, 3% từ châu Âu và 3% từ Ấn Độ. Hiện nay, 35 bệnh viện tư đang có chương trình khuyến mại để thu hút du khách đến chữa bệnh tại Malaysia. Ông K. Kulaveerasingan, Chủ tịch Ủy ban phụ trách dữ liệu và du lịch chữa bệnh của Hiệp hội các bệnh viện tư Malaysia (APHM) dự báo con số du khách đến chữa bệnh tại Malaysia trong năm nay sẽ tăng 15%. Ông nhấn mạnh du lịch chữa bệnh được phát triển như một dự án mang tính quốc gia, theo đó chính phủ sẽ dành một phần ngân sách quốc gia chứ không phải chỉ các bệnh viện tư có đủ khả năng chi phí cho khu vực này. Để mở rộng thị trường, hiện nay Malaysia đang nhằm tới các thị trường mới như Việt Nam, Campuchia, Trung Đông, Mỹ, châu Âu và Canada. Bất chấp những thách thức của bầu không khí kinh tế hiện nay, du lịch chữa bệnh vẫn có triển vọng khá tích cực nhờ việc thâm nhập vào các thị trường mới này. Theo các chuyên gia du lịch quốc tế, năm 2012, ngành du lịch chữa bệnh của châu Á sẽ thu về ít nhất 4 tỷ USD. Mỗi du khách chữa bệnh sẽ phải trả 362 USD, gấp đôi số tiền 144 USD mỗi ngày mà mỗi du khách thông thường phải chi.
Theo Vietnam+