Mùng 4 Tết Mậu Tuất 2018, khi những cánh hoa đào còn chưa nở hết, tiếng chim hót ríu rít trên những tán cây ven đồi, những hạt mưa xuân vẫn lất phất bay, bà con dân tộc Mường thôn Đồng Bài, xã Quảng Lạc (Nho Quan) lại tụ họp về nhà văn hóa thôn để tham gia hội làng mùa xuân. Chị Bùi Thị Thái, người dân tộc Mường, thôn Đồng Bài chia sẻ, thật vui khi Tết đến, mùa Xuân về, chúng tôi lại được tụ họp về đây để gặp gỡ trò chuyện với nhau, mặc quần áo đẹp truyền thống, cùng hát những bài hát của dân tộc mình, chơi những trò chơi dân gian chỉ riêng đồng bào mình mới có như nhảy sạp, đánh mảng, ném còn, gõ chiêng, đánh cồng… Hội làng của người Mường vui nhất là vào mùa xuân như thế này, mọi người mong ước có được một cuộc sống đủ đầy, no ấm.
Theo ông Bùi Hồng Y, Trưởng thôn Đồng Bài, xã Quảng Lạc, người dân nơi đây quan niệm, tiếng cồng chiêng có ý nghĩa rất thiêng liêng, nó như tiếng gọi của mùa Xuân đánh thức vạn vật, muông thú hồi sinh, phát triển. Đối với đồng bào Mường, tiếng cồng chiêng gắn bó với họ từ rất nhiều đời nay. Vào mỗi dịp lễ hội hay ngày trọng đại của đồng bào Mường, tiếng cồng chiêng lại được vang lên đầu tiên, như là lời khai mạc, khởi đầu cho lễ hội; kêu gọi, thúc giục mọi người cùng tụ họp, gần nhau hơn, tạo thành cộng đồng người cùng vui chơi những trò chơi dân gian của dân tộc Mường, như đánh mảng, múa sạp, ném còn, đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co… Các trò chơi đều mang một ý nghĩa riêng, tái hiện lại những hoạt động diễn ra trong cuộc sống của đồng bào Mường nơi đây, từ đó thu hút được mọi lứa tuổi, đối tượng tham gia, tạo không khí vui vẻ, phấn khởi trong các bản làng.
Cũng theo ông Bùi Hồng Y, hội làng mùa xuân ở thôn Đồng Bài, xã Quảng Lạc mới được khôi phục lại gần chục năm nay. Từ đó, 2 năm 1 lần, hội làng lại diễn ra vào đầu mùa xuân với nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa. Mặc dù có nhiều trò chơi với các hoạt động đa dạng, nhưng lễ hội vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống của người Mường, các hoạt động diễn ra quy củ, theo trật tự, dưới sự điều hành của ban tổ chức. Những người chơi và người cổ vũ đều có ý thức nhường nhịn, vui chơi với tinh thần vui tươi, đoàn kết, không chen lấn, xô đẩy, không diễn ra các hình thức thách đấu, hiếu thắng. Tuy nhiên, vì mới được khôi phục lại nên lễ hội mùa xuân của người Mường Quảng Lạc mới thu hút được chủ yếu là phụ nữ trung niên và một phần giới trẻ. Với sự khuyến khích của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng trong việc khôi phục bản sắc văn hóa dân tộc, thôn Đồng Bài tiếp tục xây dựng phương án bảo tồn, duy trì và lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của địa phương.
Được biết, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh lại diễn ra các hoạt động vui Xuân, đón Tết, các lễ hội, trò chơi, văn hóa, thể thao…, tạo nên nét văn hóa riêng của mỗi vùng miền, địa phương. Ngoài các hoạt động của ngành Văn hóa và Thể thao như tổ chức các hoạt động triển lãm tranh, ảnh; Hội Khuyến học tổ chức các hoạt động cho chữ đầu xuân năm mới…. Trên địa bàn thành phố Ninh Bình, các ngành, địa phương và các CLB cũng tổ chức nhiều hoạt động giao lưu thể thao như bóng đá, bóng chuyền, quần vợt, thu hút nhiều người tham gia tập luyện. Cùng với đó, nhiều địa phương tổ chức các hoạt động vui chơi bằng các trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ, giao lưu văn hóa để tạo không khí mừng Đảng, mừng Xuân, khơi gợi và lưu giữ lại nét đẹp văn hóa của dân tộc, tạo không khí vui tươi lành mạnh ngày xuân. Đặc biệt, tại các đền chùa và nhiều di tích thờ cúng các thành hoàng làng, danh nhân lịch sử, văn hóa… ngoài hoạt động tín ngưỡng tâm linh còn diễn ra các tiết mục văn nghệ như hát chèo, hát xẩm… nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể - một trong những loại hình nghệ thuật trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Việt.
Ông Phạm Ngọc Văn, Trưởng phòng xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng, các hoạt động trò chơi dân gian và lễ hội làng, xã đầu xuân mới là những nét đẹp văn hóa rất riêng của cộng đồng người Việt ở mỗi vùng, miền trong tỉnh, trong cả nước; từ đó cần được trân trọng lưu giữ và phát huy, trong đó có kế thừa và loại bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, không phù hợp với thuần phong mỹ tục và sự phát triển của thực tế xã hội hiện đại.
Hàng năm, vào dịp đầu xuân, Sở Văn hóa và Thể thao đều có các văn bản chỉ đạo các Phòng Văn hóa thông tin huyện, thành phố; các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở tăng cường công tác tuyên truyền các văn bản quản lý và hướng dẫn công tác quản lý và tổ chức lễ hội của các cấp, các ngành. Chỉ đạo tổ chức các lễ hội đảm bảo thực hiện đúng theo quy định tại Thông tư số 15, ngày 22/12/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tổ chức lễ hội và các văn bản chỉ đạo của tỉnh; thực hiện tổ chức các lễ hội đảm bảo an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, trang nghiêm, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, phù hợp với phong tục, tập quán dân tộc. Hoạt động văn hóa văn nghệ, vui chơi, giải trí trong lễ hội phải đúng quy định của pháp luật và mang tính giáo dục, phù hợp với lối sống, thuần phong mỹ tục, tập quán tốt đẹp của địa phương.
Mỗi năm, toàn tỉnh có gần 200 lễ hội làng diễn ra ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh, thời gian tập trung từ đầu tháng 1 đến hết tháng 3 âm lịch. Với nhiều lễ hội làng, xã như vậy, đòi hỏi sự quan tâm của các cấp, các ngành và địa phương trong việc chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức đủ phần lễ và phần hội, đảm bảo các hoạt động trong lễ hội diễn ra đảm bảo và an toàn, tạo được ấn tượng tốt đẹp với mỗi người tham gia. Đặc biệt, các địa phương cần quản lý để các nghi thức trong lễ hội được thực hiện đảm bảo trang nghiêm, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, địa phương. Các hoạt động phần hội cần có sự kết hợp hài hòa giữa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dân gian truyền thống và hiện đại, từ đó không chỉ thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia với ý nghĩa vui tươi, lành mạnh mà còn là dịp để các vùng miền, địa phương được giao thoa văn hóa, tạo nên không gian lễ hội vui tươi, lành mạnh, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, khơi dậy lòng yêu quê hương, uống nước nhớ nguồn, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư.
Hạnh Chi