Kỳ 1: Theo dấu chân đoàn quân Tây Tiến
"…Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi! /Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi /Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi /Mường Lát hoa về trong đêm hơi…" Những câu thơ bi hùng trong bài Tây Tiến của Quang Dũng cách đây 65 năm về trước cứ thôi thúc chúng tôi. Một ngày đầu xuân, từ Ninh Bình, men theo Tỉnh lộ 477 sang Quốc lộ 12B, qua Mãn Đức, tỉnh Hòa Bình, qua đường Hồ Chí Minh, đi theo Quốc lộ 6 chúng tôi trở về với Sơn La - nơi in dấu bước chân hành quân của những chiến sĩ thuộc Trung đoàn Tây Tiến năm xưa. Đường đến Sơn La đồi núi trập trùng, sương mù giăng giăng, cảnh vật khi ẩn, khi hiện, tạo cho chúng tôi nhiều cảm xúc. Ai ai cũng thấy nao nao trong lòng. Cao nguyên Mộc Châu trải dài, mênh mông cỏ và hoa. Con đường quanh co, uốn lượn, ôm ấp những sườn đồi. Những đám mây bồng bềnh, lang thang trên đỉnh núi, những cánh rừng hoa ban nở trắng dẫn chúng tôi đến với Thắng cảnh quốc gia Hang Dơi - một tác phẩm nghệ thuật độc đáo mà thiên nhiên ban tặng. Hồ Tiền Phong, điểm du ngoạn hấp dẫn. Thác Dải Yếm trông xa như một dải yếm lụa mượt mà đang tung chảy...
Đường lên cao nguyên Mộc ChâuHình ảnh anh hùng Cù Chính Lan diệt xe tăng giặc Pháp trên mặt trận dốc Giang Mỗ chợt hiện về. Tôi bỗng nhớ đến câu thơ ghi trên nẻo đường heo hút mà đoàn quân Tây Tiến hành quân lên Sơn La "Người đi Châu Mộc chiều sương ấy/Có thấy hồn lau nẻo bến bờ"... Cánh đồng lau trắng trên đồi cao như đang rì rào kể lại câu chuyện năm nào. Đó là điều kỳ diệu xảy ra trong chiến dịch Hòa Bình, tại dốc Giang Mỗ, nơi đây đã diễn ra hai cuộc đánh chặn xe tăng giặc Pháp. Đó là trận địa bao vây, đánh giáp lá cà của các chiến sĩ tiểu đoàn 353, thuộc trung đoàn 66 vào tháng 12-1951. Đặc biệt là cuộc chiến thứ hai đã diễn ra hết sức khốc liệt giữa hai bên. Khi quân Pháp bị tiêu diệt nhiều, chúng biết là bị sa vào bẫy phục kích của bộ đội ta nên có lệnh rút chạy. Một số xe tăng Pháp tiếp viện để hỗ trợ cho lính rút lui. Chúng hùng hổ và bắn súng máy xối xả. Tiểu đội trưởng Cù Chính Lan tìm cách tiếp cận chiếc xe tăng đầu tiên, mở nắp xe rồi quăng lựu đạn vào, Tuy không kịp nổ nhưng đã làm kẻ địch hốt hoảng quay đầu bỏ chạy. Vừa chạy, chúng vừa quay nòng súng vãi đạn không thương tiếc.
Không để cho kẻ địch chạy thoát, Tiểu đội trưởng Cù Chính Lan chạy tắt vượt qua ngọn đồi đuổi kịp chiếc xe tăng. Lần này, anh rút chốt kíp nổ, đợi cho xì khói, rồi mới ném vào trong khoang xe. Lựu đạn nổ tung, tiêu diệt toàn bộ lính trên xe tăng. Cù Chính Lan cũng bị hất tung khỏi xe, nhưng anh vẫn vùng dậy reo lên trong chiến thắng, khi thấy chiếc xe tăng đổ gục tại con dốc Giang Mỗ... Nhưng chỉ mấy tháng sau, vào năm 1952, người chiến sĩ anh hùng ấy đã hy sinh sau ba lần bị thương trong trận đánh đồn Pháp tại cứ điểm 148 trên đường số 6. Anh đã cùng đồng đội chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, anh đã hy sinh anh dũng ở tuổi 21.
Giờ đây khúc bi tráng Cù Chính Lan còn sừng sững với non ngàn, trên con đường Tây Tiến, đúng với nghĩa "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành" mà nhà thơ Quang Dũng đã viết…
Kỳ 2: Đến với Sơn La
Bài, ảnh: Xuân Tứ