Các lễ hội xuân ở Ninh Bình bao giờ cũng có hai hợp phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ bao giờ cũng tiến hành trước bao gồm nhiều hình thức tế tự, rước sách mang nặng tính tâm linh như: dâng hương, tế lễ...với những nghi thức rất đặc trưng, tạo ra một không khí thâm nghiêm, linh thiêng, trang trọng. Sau phần lễ là phần hội, chủ yếu là các hoạt động vui chơi giải trí của người dân với nhiều trò chơi mang tính truyền thống: đánh cờ, đánh tổ tôm, chọi gà, kéo co, đấu vật, đẩy gậy, biểu diễn thư pháp... Việc tổ chức lễ hội phần nhiều tùy vào cộng đồng dân cư và chính quyền sở tại, các nét đặc trưng của lễ hội có thể biến cải ít nhiều cho phù hợp với điều kiện thực tế mỗi nơi song về cơ bản thì các lễ hội Ninh Bình đều giữ được phần hồn cốt của văn hóa truyền thống với nhiều nét tích cực và mang đậm tính nhân văn. Cũng chính vì điều này mà có nhiều lễ hội đã truyền đời trong các cộng đồng dân cư nhưng vẫn giữ được gần như nguyên vẹn các nghi thức từ tế tự, rước sách cho đến các trò vui chơi giải trí. Mỗi địa phương, mỗi người dân xem đó như một niềm tự hào, một tài sản chung của cả cộng đồng cần vun bồi, gìn giữ, tôn vinh.
Có một điểm đáng lưu ý là vì lễ hội thường ra đời từ những sinh hoạt, nhu cầu có tính cộng đồng do vậy nó mang rất rõ đặc trưng văn hóa của mỗi cộng đồng ấy. Từ tập quán sinh hoạt, thói quen trong lao động, cho đến quan niệm về các hệ giá trị, các chuẩn mực ứng xử được cộng đồng ấy thừa nhận. Vì những lẽ tự nhiên đó nên người miền rừng núi như Cúc Phương (Nho Quan) yêu thích trò chơi bắn nỏ, đẩy gậy, dân miền biển Kim Sơn thích thú với môn bơi chải, trong khi vùng Yên Mô, Yên Khánh lại đam mê đấu vật, thích hát chèo... Những thói quen sinh hoạt, đặc điểm về địa lý, lịch sử, phong tục, tập quán đã tác động tới việc hình thành các lễ hội Ninh Bình. Các đặc trưng văn hóa ấy qua sự gạn lọc của cộng đồng dần hình thành những nề nếp tương đối ổn định tại các lễ hội. Tuy nhiên bên cạnh những hoạt động có nhiều đặc điểm chung thì mỗi lễ hội tại các địa phương bao giờ cũng rất chú ý đến tính chất đặc trưng, yếu tố mang tính độc đáo, thể hiện bản sắc riêng. Vì vậy mà các lễ hội Ninh Bình thường tổ chức rất gần thời điểm của nhau song không hề trùng lắp, lặp lại hạy mô phỏng của nhau mà phần nhiều có tính độc đáo riêng. Lễ hội Hoa Lư cũng có đua thuyền song không hẳn là bơi chải như của người Kim Sơn. Cũng như hội vật làng Bồ Vi cũng có nét khác so với sới vật làng Yên Vệ (Yên Khánh), Ninh Mỹ (Hoa Lư)...Cũng là văn nghệ song hát Đúm của người Mường ở Quảng Lạc khác hơn nhiều so với hát giao duyên ở Kỳ Phú, càng không trùng với điệu Thường Rằng của Yên Quang, Cúc Phương. Người Yên Phong mê hát xẩm trong khi dân Thạch Bình thích nghe điệu cồng chiêng. Và tất nhiên những chiếu chèo ở Bình Hải, có thang âm, điệu thức, hồn vía khác xa so với chiếu chèo Khánh Mậu, Khánh Tiên...
Sở dĩ người viết phải kể ra rất nhiều những hoạt động của các vùng miền khác nhau vì muốn chứng minh rằng mỗi sáng tạo của các lễ hội ở các cộng đồng dân cư dù khác nhau song có một điểm chung là nó đều là những sản phẩm ra đời nhờ những sinh hoạt mang tính tập thể. Nói khác, các thành tố tạo nên một lễ hội đều là sản phẩm sáng tạo của cả một cộng đồng người. Lễ hội tại Ninh Bình ra đời được chính người dân Ninh Bình sáng tạo, bảo tồn, gìn giữ, phát huy. Họ chính là chủ thể của các lễ hội nên những yếu tố văn hóa nào có tính nhân văn, phù hợp được nhiều người trong cộng đồng đó yêu thích, thừa nhận thì dần trở thành yếu tố ổn định của lễ hội ngược lại có những yếu tố lạc hậu, phản nhân văn qua thời gian đều bị người dân gạn lọc, đào thải. Điều này lý giải vì sao những gì hiện còn ở các lễ hội Ninh Bình qua thời gian đều là những yếu tố mang nét tinh hoa về văn hóa. Người dân Ninh Bình ngày nay có quyền tự hào về những gì được người xưa truyền lại.
Ngày nay tại Ninh Bình có rất nhiều các lễ hội, nhất là vào mùa xuân. Có thể kể tên một số lễ hội mà sức hút của nó đã vượt ra ngoài khuôn khổ ảnh hưởng của một tỉnh để vươn tới tầm Quốc gia, thậm chí Quốc tế như: Lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư, Lễ hội Tràng An, Lễ hội chùa Bái Đính...Chính bởi tầm ảnh hưởng và sức thu hút của nó đối với du khách mà việc tổ chức các lễ hội bao giờ cũng đặt ra nhiều vấn đề có tính thử thách. Lễ hội có những hoạt động gì ? Đâu là nét riêng, là yếu tố có tính bản sắc độc đáo của lễ hội ? Và cách các nhà tổ chức cũng như người dân ứng xử với lễ hội gián tiếp thể hiện thái độ đối với vấn đề di sản văn hóa.
Ngày nay các các lễ hội tại Ninh Bình thường gắn với các hoạt động mang tính quảng bá, hoạt động kinh tế du lịch, do vậy tầm ảnh hưởng của nó ngày càng lớn, thậm chí vượt ra bên ngoài khuôn khổ các lễ hội. ấn tượng về các lễ hội trong lòng du khách, những phản hồi của truyền thông về hoạt động của lễ hội có hiệu ứng lan tỏa rất mạnh. Lễ hội hơn thế đã trở thành thương hiệu, thành những biểu tượng và cả những thông điệp mang tính văn hóa của Ninh Bình gửi đến bạn bè, du khách.
Đức Bá