Buổi sáng, Khu di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư chịu ảnh hưởng của những hạt mưa phùn và đôi khi có mưa nặng hạt, nhưng thời tiết không ngăn được bước chân du khách nườm nượp về trẩy hội và thưởng thức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao… diễn ra liên tục, đa dạng và phong phú trong ngày chính hội.
Trên sông Sào Khê, cuộc thi Chèo thuyền khéo thu hút sự cổ vũ của nhiều du khách và những người dân trên địa bàn huyện vốn có tuổi thơ gắn với những dòng sông và bến thuyền. Cuộc thi chèo thuyền khéo được giao cho Hội Nông dân huyện tổ chức, thu hút các hội viên của Hội nông dân các xã: Ninh Hải, Ninh Xuân, Trường Yên… tham gia. Sáng 25/4, trên sông Sào Khê, các đội thuyền tham gia thi là những cô, bà chèo đò hàng ngày phục vụ khách du lịch trên sông nước và những anh nông dân vốn quen với cấy cày, trồng trọt nhưng vẫn dẻo tay chèo trong các buổi đánh bắt cá trên sông, trong đầm, ngoài bãi. Tất cả họ được dịp thể hiện tay chèo, mái lái khéo léo, uyển chuyển, tạo nên những đội thuyền đua nhau lướt lượn như rồng bay, phượng múa trên sông Sào Khê.
Thời tiết như ủng hộ cho cuộc đua thuyền khéo, với không khí mát mẻ, gió thổi nhè nhẹ, bên sông nước mênh mông in bóng núi, các đội chèo miệt mài thi tài, người dân và du khách vui vẻ cổ vũ, dự đoán đội nào sẽ đạt giải, tạo nên sự sôi động, âm vang trên một vùng sông nước huyền thoại của sông Sào Khê. Cuộc thi chèo thuyền khéo với ý nghĩa tưởng nhớ thuở xưa vua Đinh lấy núi làm thành, lấy sông làm hào, sử dụng thuyền trong việc dẹp loạn nạn cát cứ, thống nhất 12 sứ quân, lập nên Nhà nước Đại Cồ Việt. Các đội đua thuyền không màng ganh đua thứ hạng, không quan trọng giải thưởng, mà mục đích chỉ là để cùng nhau giao lưu, ôn lại truyền thống của cha ông đã sử dụng thuyền như một trong những phương thức thu phục, dẹp loạn và chiến đấu để thống nhất nền độc lập cho dân tộc.
Một hoạt động khác thu hút đông đảo người dân và du khách là màn biểu diễn múa trống của xã Khánh Tiên nằm trong chương trình giao lưu nghệ thuật quần chúng. Bởi đây là dịp bản sắc văn hóa địa phương được thể hiện hiện rõ nhất, thăng hoa cùng nhiều sắc thái văn hóa cộng đồng dân cư trong các vùng miền, địa phương trong tỉnh. Điệu múa trống Khánh Tiên được lấy cảm hứng từ niềm vui của người nông dân mừng ngày hội mùa thắng lợi, để rồi cùng nhau dùng hình tượng chiếc trống tình tang, rộn ràng hòa quyện cùng những niềm vui của người nông dân khi mùa màng bội thu, no ấm, tạo nên không khí phấn khởi, vui tươi, tạo động lực cho mỗi người dân tiếp tục thi đua lao động sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Hàng chục người trong đội múa trống, gồm cả người trẻ tuổi và trung tuổi, mỗi người đảm nhiệm một nhiệm vụ, gồm 1 trống cái, 4 trống con, 2 não bạt, 2 mõ, 1 chiêng, 1 đạo diễn và 1 người chỉ huy trống con ngoài sân khấu, 1 đạo diễn chỉ đạo nội dung khi múa trống cùng hòa quyện vào những điệu múa uyển chuyển, nhịp nhàng của người biểu diễn, tạo ra sức hút đặc biệt không phải địa phương nào cũng có, trở thành điệu múa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành sưu tầm nhằm bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa riêng biệt của mỗi vùng miền trong cả nước. Đội trống Khánh Tiên (Yên Khánh) đã mang đến lễ hội tiết mục độc đáo, sôi động khiến bất cứ du khách nào khi được lắng nghe, thưởng thức cũng cảm thấy cuộc sống thật tươi đẹp, rộn ràng.
Cũng trong sáng ngày 25/4, Hội Nông dân tỉnh tổ chức thi chọi gà trong lễ hội Hoa Lư. Hội thi năm nay thu hút hàng chục con gà chọi đến từ Hội Nông dân các huyện, thành phố trong tỉnh và được chia theo các hạng cân.
Anh Vũ Văn Thường, phường Ninh Phong (thành phố Ninh Bình) - một người có thâm niên hàng chục năm theo đuổi thú vui chọi gà cho hay, chọn được con gà giống tốt chưa đủ, cần phải biết chăm sóc đúng cách, có chế độ luyện tập riêng phù hợp và kinh nghiệm của từng người chơi để gà của mình có những "miếng" riêng, khi ra sân là "chiến". Để chuẩn bị cho cuộc chơi, những người yêu thích trò chơi này đã nuôi và dưỡng con gà mình yêu thích từ hàng tháng, hàng năm trước đó, chăm sóc, tập luyện nó kiên trì như nuôi con của mình. Đặc biệt, theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, để không xảy ra tình trạng cá cược, tiêu cực, làm mất bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp của môn chọi gà, các sới gà được lắp camera theo dõi, tránh tình trạng cá cược; đồng thời có sới riêng cho những cá nhân tham gia chọi gà nhưng chưa đăng ký trước với Ban tổ chức… Hội thi chọi gà diễn ra từ ngày 25 đến 27/4, tất cả nhằm bảo tồn, lưu giữ và phát huy một trò chơi dân gian của dân tộc, được nhiều người dân và du khách thích thú dự xem, theo dõi từ đầu đến cuối.
Trong ngày 25/4, đã có rất nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật diễn ra. Trong đó nổi bật là chương trình giao lưu nghệ thuật giữa các vùng cố đô, thành phố Asan (Hàn Quốc), tỉnh U-đôm-xay (CHDCND Lào); thành phố Hà Nội, tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Tuyên Quang; chương trình giao lưu nghệ thuật quần chúng tỉnh Ninh Bình… Qua chương trình, trong mỗi tiết mục biểu diễn đã thể hiện nét riêng biệt của mỗi đất nước, mỗi tỉnh, thành phố, mỗi vùng miền, mang đến cho chương trình giao lưu nghệ thuật một sắc thái, một nét riêng, là cơ hội để các đoàn nghệ thuật có dịp được giao lưu, tìm hiểu và học hỏi lẫn nhau, cùng xây dựng mối quan hệ thân tình, đoàn kết.
Sự đa dạng của các sắc thái văn hóa, các trò chơi dân gian diễn ra trong ngày chính hội và nhiều hoạt động kéo dài đến hết hội (27/4) đã làm cho Lễ hội Hoa Lư 2018 thêm sức sống, sự hấp dẫn riêng, khẳng định nỗ lực của cộng đồng, các địa phương trong tỉnh luôn giữ gìn nét văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt năm nay, Lễ hội Hoa Lư kéo dài trong thời gian 4 ngày (24-27/4), do đó nhiều hoạt động của phần hội cũng được tổ chức dài hơn, tạo điều kiện cho du khách phương xa có điều kiện về dự hội, tham gia các hoạt động phong phú, đa dạng của Lễ hội, gắn với dịp nghỉ lễ kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4) và ngày Quốc tế lao động (1/5).
Mỹ Hạnh