Trong những năm qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch, hướng dẫn các đơn vị khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động nói chung, người chấp hành xong án phạt tù nói riêng, trên cơ sở đó tham mưu cho UBND tỉnh giao chỉ tiêu cũng như phân bổ nguồn kinh phí cho các địa phương trong công tác dạy nghề, đào tạo nghề; đặc biệt là dạy nghề cho người chấp hành xong án phạt tù, người sau cai nghiện để họ có công ăn, việc làm ổn định, nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.
Sở đã chỉ đạo Trung tâm Chữa bệnh, Giáo dục, Lao động xã hội mở 82 lớp dạy nghề cho 2.446 học viên; phối hợp với Trường Giáo dưỡng số 2 và Công an tỉnh tổ chức 9 lớp đào tạo nghề cho 292 lao động là những đối tượng chấp hành xong án phạt tù. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh có 1.800 người chấp hành xong án phạt tù được đào tạo các nghề như: may mặc, xây dựng, đan cói, mây tre đan... Thông qua các lớp học nghề, người lao động đã tiếp cận phổ cập được kiến thức mới về lĩnh vực được đào tạo, biết cách làm ăn, tạo việc làm tại chỗ, hoặc tự hành nghề để kiếm sống. Nhiều người đã được nhận vào làm việc tại các cơ sở sản xuất của các doanh nghiệp, ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được công tác dạy nghề cho người chấp hành xong án phạt tù vẫn gặp khó khăn, đó là người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương còn mặc cảm, tự ti, chưa tự giác tham gia vào các lớp học do các cơ sở dạy nghề tổ chức.
Để nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề cho người chấp hành xong án phạt tù, thời gian tới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục tăng cường công tác phối hợp và phát huy vai trò của các cấp ủy, chính quyền cơ sở trong công tác quản lý, giáo dục và giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.
Tăng cường công tác tuyên truyền làm thay đổi căn bản nhận thức của người lao động, đặc biệt là người chấp hành xong án phạt tù, người sau cai nghiện, người mại dâm về mục đích, ý nghĩa của việc học nghề để có cơ hội tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống.
Phát triển và hoàn thiện mạng lưới cơ sở dạy nghề, tiếp tục tham mưu, đầu tư, xây dựng và củng cố, nâng cấp các cơ sở dạy nghề hiện có để đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động. Khuyến khích xã hội hóa công tác dạy nghề bằng việc phát triển và thành lập các cơ sở dạy nghề ngoài công lập, dạy nghề, truyền nghề tại các làng nghề. Trong công tác dạy nghề, đào tạo nghề, ưu tiên dạy nghề, đào tạo nghề cho người chấp hành xong án phạt tù về địa phương để họ có công ăn, việc làm ổn định, nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.
Trần Dũng