Nghề bỏ làng
Nghề sản xuất cốt chăn bông của thôn Nhân Lý, xã Ninh Mỹ (Hoa Lư) được hình thành cách đây hàng trăm năm. Những năm đầu mới hình thành chỉ có một số hộ gia đình làm với dụng cụ sản xuất thủ công, thô sơ nhưng sản phẩm nơi đây vẫn nổi tiếng không chỉ ở các địa phương trong tỉnh mà cả các tỉnh lân cận.
Do nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao, thị trường ngày càng lớn nên nghề sản xuất cốt chăn bông được truyền rộng ra nhiều hộ trong thôn.
Bước vào thời kỳ đổi mới, cả thôn Nhân Lý đã có 40-50 hộ làm nghề sản xuất cốt chăn bông. Sản phẩm sản xuất ra được các đại lý đưa đi tiêu thụ khắp miền Bắc. Công cụ sản xuất cũng ngày càng được cải tiến, nguyên vật liệu để xuất cốt chăn bông được tái chế từ các loại vải vụn, sau đó ngâm tẩy hóa chất và đưa vào máy tước nhỏ thành sợi.
Nhờ sự phát triển ấy mà số hộ khá tăng lên, thu nhập từ nghề trung bình từ 2-2,5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2008 làng nghề cốt chăn bông Nhân Lý được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống.
Thế nhưng chỉ chưa đầy 5 năm sau ngày được công nhận là làng nghề, nghề sản xuất cốt chăn bông ở Nhân Lý đã không còn hoạt động. Nguyên nhân chính là do sản phẩm của làng nghề không tìm được chỗ đứng trên thị trường.
Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Ninh Mỹ cho biết: Làng nghề sản xuất cốt chăn bông Nhân Lý đến nay gần như không còn hoạt động. Sản phẩm làm ra không bán được do không cạnh tranh được với các loại chăn sản xuất công nghiệp có giá rất rẻ.
Một số hộ bám trụ với nghề nhưng không phải là sản xuất cốt chăn bông mà nhập các mặt hàng chăn bông về bán và làm gia công cho các cửa hàng những sản phẩm như ga, vỏ gối, vỏ chăn.
Mặc dù xã cũng đã trăn trở để chuyển đổi nghề cho làng nghề Nhân Lý nhưng đến nay vẫn chưa tìm được nghề phù hợp. Một số doanh nghiệp cũng đã vào để truyền các nghề thủ công như làm mi giả, chẻ tăm hương, đính hạt cườm… nhưng những nghề này cho thu nhập thấp nên người dân không hưởng ứng.
Không ngừng hoạt động như làng nghề cốt chăn bông Nhân Lý nhưng một số nơi sản phẩm nghề truyền thống cũng chỉ hoạt động cầm chừng như nghề đan cót ở làng Vân Thị, mây tre đan ở làng An Thái (Gia Viễn)…
Để tìm được nghề khác thay thế, đem lại thu nhập cho người dân không phải là việc dễ làm, nhất là khi sản phẩm của các làng nghề chưa khẳng định được chỗ đứng của mình trên thị trường.
Hỗ trợ doanh nghiệp và xây dựng thương hiệu làng nghề
Có thể thấy, trong bối cảnh chung hiện nay, hàng loạt các làng nghề truyền thống của Ninh Bình đang đứng trước nguy cơ bị mai một do không tìm được đầu ra cho sản phẩm.
Bà Đỗ Thị Giàn, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp - Sở Công thương cho biết: Hiện nay hoạt động của các làng nghề ở một số địa phương tuy có phát triển song chưa thực sự ổn định do "tắc" ở khâu tìm đầu ra cho sản phẩm.
Ngoài ra thị trường nguyên liệu cũng như tiêu thụ sản phẩm luôn bị biến động do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế. Phần lớn các làng nghề vẫn đang duy trì hoạt động tốt là do gắn với các doanh nghiệp trong việc bao tiêu sản phẩm ở làng nghề.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm hầu hết mới chỉ là cá nhân trung gian chứ không phải doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp, do đó lợi nhuận cho người sản xuất quá thấp, chi phí trung gian nhiều khâu đã đội giá thành lên cao, làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa.
Trong khi đó, các làng nghề chưa kham nổi các chương trình quảng bá, tiếp thị, khảo sát thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài để định hướng sản xuất, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, mẫu mã, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Vì thế, nhiều làng nghề đang ở trong tình trạng chỉ mới sản xuất ra những gì mình có, chứ chưa làm ra cái thị trường cần.
Để khắc phục tình trạng trên, tỉnh đã có những hỗ trợ mang tính chất kích cầu cho các làng nghề và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng truyền thống của tỉnh thông qua kinh phí cho khuyến công và xúc tiến thương mại.
Qua đó, đã có nhiều doanh nghiệp được hỗ trợ để làm mặt bằng, hỗ trợ tư vấn về công nghệ; tham gia các hội chợ trong và ngoài nước để giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường; hỗ trợ để các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, cải tiến mẫu mã thông qua cuộc thi lựa chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu…
Những hoạt động trên nhằm tìm một hướng đi cho các làng nghề trong điều kiện hội nhập kinh tế hiện nay. Ông Hà Quang Điệp, Giám đốc Trung tâm Khuyến công nói: Trong khi các làng nghề còn gặp nhiều khó khăn thì sự chủ động của doanh nghiệp là yếu tố quyết định trong sự phát triển làng nghề. Đây không chỉ là mô hình mà còn là hướng đi tất yếu cho hàng trăm làng nghề của tỉnh. Chỉ có như vậy, người lao động và sản phẩm làm ra mới có nguồn tiêu thụ ổn định.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh sản phẩm truyền thống, các tổ, đội sản xuất cần có sự liên kết, hỗ trợ nhau trong việc sản xuất, thông tin thị trường, tìm kiếm bạn hàng tiêu thụ sản phẩm.
Để doanh nghiệp có thể tự tin với sản phẩm của mình thì ông Hà Quang Điệp cũng nhấn mạnh: Việc xây dựng thương hiệu cho các làng nghề, sản phẩm làng nghề cần phải được quan tâm ngay từ bây giờ. Các sản phẩm truyền thống nếu có chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ là cách tốt nhất để sản phẩm quảng bá được thương hiệu.
Việc đăng ký thương hiệu cho làng nghề và các sản phẩm làng nghề cũng cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp liên kết để đăng ký thương hiệu theo nhóm sản phẩm, tự kiểm soát chất lượng.
Đi đôi với đăng ký thương hiệu thì rất cần có sự hỗ trợ để quảng bá thương hiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, các chương trình, hoạt động thương mại, văn hóa trong và ngoài nước.
Ông Phạm Đăng Bằng, Giám đốc Xí nghiệp tập thể chiếu cói xuất khẩu Đại Đồng (Kim Sơn) cũng cho rằng: Để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, cần nắm bắt và phổ biến nhu cầu thị trường nước ngoài (theo từng khu vực địa lý, thậm chí theo mùa…) chuyển các đơn hàng của thị trường quốc tế đến những HTX, doanh nghiệp, làng nghề.
Tạo điều kiện cho các làng nghề tham gia các hội chợ có một gian để quảng bá, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm làng nghề trưng bày sản phẩm, ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ…
Nguyễn Thơm
Kỳ cuối: Để người lao động sống được với nghề