Từ gánh hát của cụ Trùm Tiêu
Phố An Hòa nay vốn thuộc phường Ninh Phong, thành phố Ninh Bình, trước năm 2004, An Hòa là một làng của xã Ninh Phong huyện Hoa Lư. Từ xa xưa trong lịch sử, vùng đất này đã mang trong mình nhiều huyền tích. Một trong huyền tích cho đến ngày nay vẫn được các thế hệ người dân làng An Hòa nhắc nhớ đó là câu chuyện về gánh hát của cụ Trùm Tiêu. Vào khoảng những năm 1938-1939 làng An Hòa có một người kép hát tài hoa đã đứng ra lập một gánh hát, dân gian vẫn thường gọi là gánh chèo của ông Hai Tiêu (hay Trùm Tiêu). Gánh hát này tập hợp nhiều nghệ nhân đàn hay, hát giỏi nức tiếng đương thời, thường đi diễn khắp vùng phủ đường Gia Khánh, Yên Liêu. Gánh hát nổi tiếng đến độ những đêm diễn có mặt đào, kép của Trùm Tiêu dân làng thường đến đông kín một góc sân đình. Danh tiếng của ông Hai Tiêu- chủ gánh hát cũng vang xa tới tận cõi ngoài. Nhiều nghệ nhân chèo nổi tiếng vùng xứ Đông, Xứ Đoài, vùng Sơn Nam Hạ thi thoảng lại tìm về hội ngộ, chén tửu, chén trà, so điều tinh túy trong nghề tơ trúc. Hai Tiêu và những người bạn trong gánh hát của mình cũng không tiếc đem hết sở học tài hoa của mình thi thố cùng chúng bạn. Làng An Hòa thuở ấy cũng vì thế mà tự hào vì là nơi quê hương bản quán của bậc tài danh, làng trên xóm dưới có thêm những phút giây êm đềm trong thời buổi "mưa Âu gió á"của lịch sử dân tộc.
Cũng vì gánh chèo làng An Hòa đã trở thành một thứ huyền thoại trong lòng chúng nhân mà vào tháng 8/1945 khi cuộc tổng khởi nghĩa thành công, Trùm Tiêu đã cùng gánh chèo An Hòa đã đưa gánh hát đi diễn mừng ngày lễ độc lập. Câu chuyện ấy, tuy không có sử liệu nào biên chép lại song đã là câu chuyện nằm lòng của đám con cháu họ Vũ (họ của ông Hai Tiêu) và là niềm tự hào kiêu hãnh của người dân làng An Hòa cho tới tận ngày nay.
Trở lại câu chuyện gánh chèo của ông Hai Tiêu sau khi biểu diễn được một thời gian tiếng tăm đã nổi khắp vùng, tưởng như những ngày tháng vui vẻ với những người nghệ sỹ dân gian được dài lâu, nào ngờ sau ngày độc lập không lâu, người Pháp đã xua quân đi càn quét các thôn làng, dựng đồn bốt khắp vùng. Ngày 19/12/1946 toàn quốc kháng chiến, làng An Hòa cũng không tránh khỏi cảnh biến loạn trong cơn vần vũ của lịch sử. Gánh chèo của ông Hai Tiêu cũng vì đó mà tan tác mỗi người một nơi.
Đến đội chèo làng An Hòa
Năm 1954 quân Pháp rút đi, hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông Hai Tiêu vì nhớ nghề đã mấy lần muốn khôi phục lại gánh hát. Tiếc thay, trời chẳng chiều người, vào quãng 1955-1956, ông Hai Tiêu ốm nặng, qua đời, việc lập lại gánh chèo đành gác lại. May thay trong gánh hát ấy có còn 2 người đó là ông Vũ Ngọc Diệp (con ruột cụ Tiêu) và ông Đào Cương, bằng tình yêu tha thiết với nghiệp Chèo đã lập nên Đội chèo làng An Hòa. Tuy phương thức sở hữu có khác nhau nhưng đào kép vẫn là những người cũ, thành ra hương hồn cụ Tiêu cũng ít nhiều được an ủi. Vào những năm 1957-1958 trở đi phong trào văn nghệ ở miền Bắc phát triển mạnh do công cuộc cải tạo xã hội và hợp tác hóa. Tại các cuộc hội họp, liên hoan, tổng kết ở cấp nào người ta cũng thích nghe Chèo, bởi thế Đội chèo làng An Hòa của các ông Vũ Ngọc Diệp, Đào Cương mới "có đất dụng võ". ở thời điểm ấy ông Đào Cương vừa làm đạo diễn, diễn viên, ông Diệp vừa hát vừa làm nhạc công, những người bạn cũ cũng theo về. Đội chèo làng An Hòa được mời đi diễn khắp nơi, nhất là phục vụ tại các hội nghị, phục vụ bà con các hợp tác xã. Trong thời gian đi diễn phần nhiều họ còn được Ban chủ nhiệm các HTX chiêu đãi cơm, quần chúng mến mộ. Những ngày tháng ấy với những diễn viên Đội chèo làng An Hòa là những ngày tháng khó quên. Những nghệ sỹ chèo tuy nghèo mà vui, vì đi tới đâu họ cũng được yêu mến, chào đón. Chỉ tiếc "ngày vui ngắn chẳng tày gang", tới năm 1965 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ diễn ra ác liệt ở miền Bắc. Những thành viên đội chèo vì tránh bom đạn mà tạm gác lại đam mê, "Người sớm hôm chài lưới bên sông/ Người cuốc cày mưa nắng ngoài đồng" (Tế Hanh). Ông Vũ Mạnh Tuyên một thành viên của Đội chèo làng An Hòa, tòng quân, vượt Trường Sơn vào chiến đấu. Nhớ lại những ngày tháng ấy, cụ Vũ Mạnh Tuyên nay đã sang tuổi bát tuần bồi hồi kể lại: "Vì chiến tranh phá hoại, bom Mỹ bỏ liên miên, nên đội chèo tạm ngừng hoạt động, tôi vào bộ đội, chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ. Vì tôi biết hát chèo nên đơn vị cử làm Đoàn trưởng đoàn văn nghệ nghiệp dư thuộc Đoàn Hậu cần miền Đông Nam Bộ. Từ đó tôi có dịp đi biểu diễn chèo khắp chiến trường miền Đông Nam Bộ phục vụ các đơn vị bộ đội, nhân dân. Những lúc rảnh rỗi, tôi còn dạy cho cả các cô gái miền Đông hát chèo. Người dân vốn chỉ biết hát Cải lương, khi được dạy hát chèo họ vừa lạ vừa thích. Đoàn văn nghệ của chúng tôi đi đến đâu cũng được bộ đội và quần chúng hết sức hoan nghênh. Mãi đến năm 1974 tôi xuất ngũ, về quê, rồi làm chủ nhiệm HTX An Phong. Thời gian này tôi cùng một số anh em tập hợp một số diễn viên, gây dựng lại Đội chèo làng An Hòa, cũng là cách nối lại mạch chèo của cụ Tiêu thuở trước". Cũng nhờ cố gắng của ông Vũ Mạnh Tuyên cùng một số người yêu chèo mà phong trào chèo của làng An Hòa lại có cơ hội hồi sinh. Từ sau 1975 tới nay, phong trào hát chèo ở làng An Hòa có lúc sôi nổi khi trầm lắng song có thể khẳng định một điều với người dân nơi đây lòng yêu thích về nghệ thuật chèo chưa bao giờ vơi cạn. Điều đó đó cũng lý giải vì sao bước vào những năm sau thời kỳ đổi mới, trong cơn bão đô thị hóa, nhiều loại hình nghệ thuật mới tràn về với đầy sự quyến rũ mới mẻ, nghệ thuật truyền thống cũng ít nhiều bị lép vế, nhưng nhiều người dân An Hòa vẫn giữ một tình yêu chung thủy với chèo. Đội chèo làng An Hòa xưa nay đổi tên thành Câu lạc bộ chèo phố An Hòa, đây cũng là lực lượng nòng cốt của Câu lạc bộ chèo phường Ninh Phong hiện tại.
(Còn nữa)
Mai Phương
Kỳ II: Chuyện những người giữ lửa cho chèo An Hòa