Nắm bắt cụ thể những thuận lợi và khó khăn, những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, phát huy nội lực, sự đoàn kết của các tầng lớp nhân dân, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới…
Nhiều năm trước đây, tuyến đường huyết mạch nối liền xã Kim Tân, Kim Mỹ và các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa là tuyến đường đất, vào mùa mưa thường lầy lội gây không ít khó khăn cho việc đi lại, sản xuất, trao đổi hàng hóa của người dân nơi đây. Thực hiện chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn, được nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân trong thôn đã tích cực hiến đất, tham gia đóng góp tiền của, ngày công lao động để mở rộng đường, đổ bê tông, hoàn thành tuyến đường trong thời gian sớm nhất, tạo điều kiện cho người dân đi lại, giao lưu kinh tế với các tỉnh lân cận, góp phần phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.
Ông Nguyễn Đức Tịnh, xóm 3, xã Kim Tân cho biết: Hưởng ứng phong trào làm đường giao thông kiên cố theo Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhà tôi có cổng và tường rào hơn 3m thuộc diện phải di dời để mở rộng mặt đường, tôi đã tự nguyện tháo dỡ và hiến đất để làm đường theo chuẩn nông thôn mới. Không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ gia đình ở xóm 3 đều hiến đất làm đường, ngoài ra còn đồng thuận đóng tiền và góp công lao động để làm đường...
Đối với sản xuất nông nghiệp, để khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún và phân tán, tạo thuận lợi đưa cơ giới hóa vào các khâu sản xuất nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, hiện Kim Tân đang tích cực tuyên truyền các hộ dân dồn ô, đổi thửa, tự nguyện hiến đất, góp tiền làm đường giao thông nội đồng. Sau một thời gian phát động, nhiều hộ dân đã đồng thuận tự nguyện hiến 15m2 đất/sào để làm đường giao thông nội đồng, các gia đình còn tự nguyện hiến từ 200- 250.000 đồng/sào để thuê máy nạo vét kênh mương, đắp đường giao thông nội đồng. Phong trào dồn điền, đổi thửa, làm đường giao thông nội đồng, nạo vét kênh mương… ở xã Kim Tân hiện đang rất khẩn trương và hiệu quả.
Trong sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây, được tuyên truyền và chuyển giao KHKT, nông dân Kim Tân đang tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm nâng cao giá trị thu hoạch trên đơn vị diện tích canh tác. Nhận thấy đầu ra của hoa màu, lúa và một số cây ăn quả khác không ổn định, sản xuất cho hiệu quả thấp, nhiều hộ nông dân xã Kim Tân đã tích cực cải tạo đất vườn, chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng hoa huệ, qua đó nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo. Anh Trần Văn Hà, xóm 1 cho biết: Mấy năm trước, được tuyên truyền đưa cây hoa huệ vào trồng thay thế diện tích lúa kém hiệu quả, vợ chồng tôi đã mạnh dạn chuyển đổi vài sào đang cấy lúa sang trồng hoa huệ trắng. Trồng hoa huệ lợi nhuận cao nên năm 2003, gia đình tôi đã chuyển đổi toàn bộ diện tích cấy lúa sang trồng huệ... Sau 10 năm gắn bó với cây hoa huệ, gia đình anh Hà đã xây được ngôi nhà khang trang, có điều kiện chăm lo cho con cái ăn học. Anh Hà cho biết: Trồng hoa huệ không khó, chỉ tốn công chăm sóc và chi phí thuốc bảo vệ thực vật nhưng lợi nhuận cao gấp 3-4 lần so với cấy lúa. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh thu lãi trên 60 triệu đồng.
Đồng chí Nguyễn Văn Tăng, Chủ tịch UBND xã Kim Tân cho biết: Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay xã Kim Tân đã đạt 9/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Năm 2014, Kim Tân phấn đấu đạt tiêu chí về giao thông và giáo dục, đồng thời tập trung đẩy nhanh việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội như xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm; quy hoạch và xây dựng sân chơi thể dục thể thao, kiên cố hóa kênh mương… Nhằm tăng giá trị trên diện tích đất canh tác, Kim Tân đã và đang vận động các hộ dân tích cực dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chủ động đưa các cây trồng mới vào thay thế các cây trồng kém hiệu quả. Những năm gần đây, nhận thấy hiệu quả từ trồng hoa huệ, xã đã khuyến khích nông dân chuyển đổi diện tích cấy lúa năng suất thấp sang trồng loại cây mới này. Toàn xã hiện có gần 100 hộ trồng hoa huệ, với tổng diện tích trên 30 ha. Qua đánh giá thực tế của các hộ dân, cây hoa huệ là cây trồng cho thu nhập cao gấp nhiều lần cấy lúa và rất phù hợp với cốt đất vùng bãi ngang. Thời gian tới, xã sẽ phối hợp với các ngành, đoàn thể liên quan tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các lớp chuyển giao KHKT, chuyển giao mô hình mới cho nông dân và vận động nông dân tiếp tục nhân rộng những mô hình kinh tế phù hợp với đồng đất địa phương như mô hình nuôi trồng thủy sản, mô hình chăn nuôi tổng hợp, tăng diện tích trồng hoa huệ trắng… Đồng thời tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song bằng sự nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, xã Kim Tân phấn đấu hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới theo đúng lộ trình đề ra.
Huy Hoàng