Đã nhiều năm qua, bà Đỗ Thị Phượng (xóm 13, xã Đồng Hướng) luôn gắn bó với nghề đan cói, bèo xuất khẩu. Bà Phượng cho biết: Gia đình tôi còn mấy sào ruộng, song chỉ cấy để lấy lương thực sinh hoạt trong gia đình. Làm hàng thủ công mỹ nghệ là công việc chính, tạo ra thu nhập ổn định, giúp tôi có điều kiện lo cho con cái học hành, mua sắm vật dụng trong gia đình. Hơn nữa, tôi nhận mẫu mã về nhà làm nên có thêm thời gian để chăm sóc và trông nom con cháu...
Do có tay nghề cao nên bà Phượng nhận được nhiều đơn đặt hàng. Trung bình mỗi ngày, bà hoàn thiện được từ 4-5 sản phẩm, giá thu mua 43 nghìn đồng/sản phẩm. Bà Phượng cho biết thêm, sau khi trừ chi phí nguyên vật liệu, ước tính nghề thủ công cho gia đình thêm thu nhập khoảng 4 triệu đồng mỗi tháng.
Bà Đoàn Thị Hồi, xã Thượng Kiệm lại là lao động thường xuyên tại Doanh nghiệp chiếu cói xuất khẩu Mai Long. Hàng ngày từ 7h sáng, bà cùng hàng chục lao động khác đến nhà xưởng để làm việc. Công việc chính của bà Hồi là kiểm tra và sửa lỗi các sản phẩm.
Bà Hồi chia sẻ: Công việc này nhàn ở chỗ nắng không đến mặt, mưa không đến đầu song cần sự tỉ mỉ và tập trung. Bà cũng cho biết thêm, gia đình bà có làm nông nghiệp. Năm được mùa vẫn đủ ăn, năm nào mất mùa, gia đình phải mua thêm gạo ngoài. Chính vì vậy, nghề thủ công truyền thống giúp gia đình có thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trên địa bàn huyện Kim Sơn hiện có 25 làng nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ chuyên sản xuất hàng cói, bèo xuất khẩu, thu hút hàng chục nghìn hộ gia đình tham gia làm nghề, góp phần giải quyết việc làm cho trên 30.000 lao động nông nhàn, đóng góp khoảng 70- 80% giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp hàng năm của huyện. Để nghề truyền thống duy trì và phát triển, người dân trong huyện đã năng động tìm kiếm thị trường, đưa các mặt hàng chế biến từ cói, bèo của địa phương đến với nhiều thị trường trên thế giới.
Nếu như trước đây chỉ sản xuất các mặt hàng đơn giản từ cói như thảm, đệm… thì nay mẫu mã liên tục đổi mới, theo nhu cầu của khách hàng, sản xuất ra hàng trăm mẫu mới như hộp cói, túi xách, lục bình, chao đèn… bằng hàng cói, bèo bồng được khách hàng ưa chuộng. Do vậy, các sản phẩm của làng nghề đã từng bước đáp ứng được thị hiếu của khách hàng và nhu cầu xuất khẩu.
Bên cạnh đó, một số công ty, doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất và chế biến trên địa bàn đã nhận thức rõ ràng hơn về sự cần thiết của việc nghiên cứu thị trường, không ngừng sáng tạo mẫu mã mới cũng như việc nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Tiệp, Công ty TNHH Đổi Mới (xã Đồng Hướng, Kim Sơn) cho biết: Chúng tôi hiện đang xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ cho các thị trường như châu Âu, Mỹ và một số nước châu á. Để nắm bắt được gu thẩm mỹ, nhu cầu về sản phẩm của khách hàng, chúng tôi đã phải đi đến các khu vực thị trường để tìm hiểu.
Hiện nay, nhu cầu của thị trường luôn thay đổi với tốc độ rất nhanh, do đó, chúng tôi không ngừng nghiên cứu, tìm tòi nhằm sáng tạo các mẫu mã mới. Bên cạnh sử dụng các nguyên liệu của địa phương, chúng tôi đã thử nghiệm việc kết hợp các nguyên liệu từ vùng khác để đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm.
Nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống ở huyện Kim Sơn vẫn được các cấp, các ngành của địa phương quan tâm, có giải pháp để duy trì và phát triển. Qua đó đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tăng thu nhập cho nhiều lao động vùng nông thôn, thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển. Nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống có thương hiệu tham gia xuất khẩu đã góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Bài, ảnh: Thái Học