Phát hiện 2 con lợn của gia đình bị bệnh, bà Đinh Thị Chín, thôn Tiền, xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình đã kịp thời thông báo thú y xã lấy mẫu xét nghiệm và tiêu hủy lợn chết. Bà Chín cho biết, do được tuyên truyền từ trước về tính chất nguy hiểm của bệnh dịch nên người chăn nuôi ở đây không vứt xác lợn ra môi trường.
Thực tế, trong đợt phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi này, vất vả nhất là lực lượng trực tiếp làm công việc tiêu hủy lợn. Sau khi phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại phường Tân Thành từ giữa tháng tư đến nay, lực lượng này chưa có ngày được nghỉ.
Bà Trần Thị Hồng Thu, nhân viên thú y xã Ninh Nhất (thành phố Ninh Bình) chia sẻ, bệnh tả lợn châu Phi làm lợn chết nhanh, đồng loạt, khối lượng tiêu hủy lớn. Vì vậy, lực lượng chức năng phải làm việc từ sáng đến đêm tối để kịp thời xử lý, nếu không sẽ phát sinh mùi, thu hút ruồi, muỗi đến rất nhanh làm phát tán mầm bệnh.
Một khó khăn khác trong công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện nay đó là việc tìm vị trí đất để tiêu hủy lợn mắc bệnh. Thực tế ở nhiều địa phương cho thấy, việc chôn lấp lợn bệnh trong khuôn viên khu chuồng trại, vườn cây ăn quả tại hộ chăn nuôi chỉ áp dụng được với hộ chăn nuôi nhỏ, quy mô vài con đến vài chục con. Còn nếu dịch xảy ra cùng lúc ở nhiều hộ, các hộ chăn nuôi, trang trại quy mô lớn thì rất khó xoay sở tìm kiếm quỹ đất công đủ để chôn lấp lợn bệnh.
Thậm chí với những xã bố trí được đất công, quy hoạch thành khu vực riêng thì người dân lại phản đối, không đồng ý chôn lợn của thôn khác vào khu vực đất quản lý của thôn mình, không cho chôn lấp gần khu vực nghĩa trang. Chính quyền và cơ quan thú y phải mất rất nhiều thời gian thuyết phục để có sự đồng thuận. Ngoài ra, khi chôn tại các khu vực vùng trũng, ngập nước phải đào hố và gia cố rất khó khăn, đường vào nhỏ hẹp...
Được biết, để đảm bảo công tác vệ sinh môi trường trong tiêu hủy lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, yêu cầu UBND các địa phương thực hiện nghiêm túc quy trình phòng chống, xử lý bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn quản lý.
Cụ thể: Bố trí các địa điểm tiêu hủy tại chỗ và quy hoạch điểm tiêu hủy tập trung theo đúng yêu cầu kỹ thuật, vận chuyển lợn chết đến nơi tiêu hủy, thực hiện tiêu hủy và tổ chức kiểm tra, giám sát ô nhiễm môi trường, xử lý kịp thời các sự cố sụt, lún, rò rỉ, bốc mùi. Lập, quản lý hồ sơ và lưu giữ đầy đủ thông tin về các địa điểm tiêu hủy. Đánh số thứ tự vị trí các hố chôn trên bản đồ hành chính của cấp xã. Có nhật ký theo dõi hố chôn với các thông tin cụ thể như địa điểm hố chôn, mô tả cụ thể vị trí, khoảng cách tối thiểu đến nhà dân, giếng nước, khu chuồng nuôi, kích thước hố chôn…
Đồng thời kiểm tra, giám sát vệ sinh môi trường tại các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, chế biến thịt lợn và sản phẩm chế biến từ thịt lợn. Xử lý nghiêm các hành vi vứt xác lợn ốm, lợn chết ra sông, ngòi, kênh mương, đường giao thông...
Theo tổng hợp từ Sở Tài nguyên và Môi trường, tính đến ngày 22/9, tổng khối lượng lợn tiêu hủy của toàn tỉnh là gần 5.500 tấn với 5.259 hố chôn, trong đó có khoảng 100 hố chôn có trọng lượng tiêu hủy trên 5 tấn. Qua kiểm tra, theo dõi và tổng hợp từ các địa phương, chất lượng môi trường tại khu vực các hố chôn lấp nhìn chung đều đảm bảo, chưa phát hiện có dấu hiệu ảnh hưởng đến môi trường nước mặt, môi trường đất khu vực xung quanh.
Tuy nhiên, vẫn có một số hố chôn có hiện tượng bốc mùi, sụt lún như: hố chôn tại thôn Cao Thắng, xã Đức Long; hố chôn tại khu Đồng Danh, xã Thanh Lạc và xã Thượng Hòa, huyện Nho Quan; hố chôn Gồ Vọng, Thành Hồ tại xã Yên Thái..., Sở đã yêu cầu địa phương phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột, gia cố hố chôn, phong tỏa hố chôn, đến nay đã cơ bản khắc phục không còn hiện tượng phát tán mùi hôi ra môi trường xung quanh.
Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng với các đơn vị có liên quan tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hố chôn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố. Đồng thời đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ kinh phí cho địa phương để thực hiện việc lấy mẫu phân tích, xử lý ô nhiễm môi trường sau chôn lấp do sự cố sụt lún, rò rỉ gây ra.
Hà Phương