Đa dạng các hình thức, biện pháp hỗ trợ nông dân, những năm qua, hệ thống khuyến nông tỉnh Ninh Bình đã góp phần quan trọng giúp người dân nâng cao nhận thức, kiến thức về sản xuất nông nghiệp, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, góp phần đưa nông nghiệp Ninh Bình hướng đến một nền sản xuất hiện đại, bền vững.
Khuyến nông Ninh Bình đồng hành cùng nông dân
Giúp nông dân thực hiện cơ giới hóa
Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn được coi là yêu cầu cấp thiết, nhất là cơ giới hóa nông nghiệp, bởi cơ giới hóa không những giải quyết được khâu lao động thủ công, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp, đảm bảo khung lịch thời vụ mà còn làm thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, từng bước tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa, giúp nâng cao năng suất giá trị gia tăng của sản phẩm.
Xác định tầm quan trọng đó, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tập trung hỗ trợ đưa các loại thiết bị cơ giới vào phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy, số lượng máy móc và tỷ lệ áp dụng cơ giới trong sản xuất trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng qua các năm.
Đến nay, 100% diện tích lúa được làm đất bằng máy; 90% diện tích lúa thu hoạch bằng máy. Toàn tỉnh đã có trên 10 máy cấy, nhiều tổ hợp tác dịch vụ mạ khay, cấy máy đã được thành lập nhờ sự hỗ trợ kỹ thuật, cầm tay chỉ việc của đội ngũ cán bộ khuyến nông. Máy cuộn rơm cũng đã được đưa vào hoạt động thành công tại nhiều địa phương, từ đó tận dụng tốt nguồn rơm rạ sau thu hoạch để làm thức ăn cho chăn nuôi, phát triển nghề trồng nấm.
Đặc biệt, để từng bước ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất nông nghiệp, Trung tâm đã trình diễn thử nghiệm máy bay phun thuốc không người lái được định vị qua vệ tinh, tự động phun kể cả trong đêm với năng suất phun 4 - 5 ha/giờ, hiệu quả phòng trừ cao hơn phun theo cách truyền thống.
Xã Khánh Trung (huyện Yên Khánh) là một trong những xã đi đầu cả tỉnh trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Hiện, xã có tới 63 máy cày bừa, 42 máy gặt đập liên hợp, 5 máy cấy, 1 máy phun thuốc bảo vệ thực vật không người lái.
Giờ đây, nông dân Khánh Trung làm ruộng nhàn hơn trước rất nhiều. Bí thư Đảng ủy xã Khánh Trung Phạm Ngọc Duân chia sẻ với chúng tôi: Từ một xã sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, lạc hậu, nhờ các chính sách hỗ trợ của tỉnh, của huyện, sự giúp đỡ, chuyển giao kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, nông dân Khánh Trung đã từng bước tiếp cận với sản xuất nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao. Đặc biệt việc ứng dụng thành công công nghệ mạ khay, cấy máy đã đem lại những lợi ích hết sức to lớn, vừa giảm căng thẳng về lao động, thời vụ, giảm chi phí, vừa tăng năng suất.
Hơn nữa cấy máy là tiền đề để gần 2 năm nay Khánh Trung làm lúa theo hướng hữu cơ, theo đó môi trường sinh thái được cải thiện rõ nét, giá trị lúa gạo cũng nâng lên. Như vụ mùa vừa qua, lúa của bà con Khánh Trung có giá cao gấp 1,5 lần so với lúa thông thường ngoài thị trường.
Cùng nông dân hướng đến Nền nông nghiệp hiện đại, bền vững
Đội ngũ cán bộ được đào tạo chuyên sâu, bài bản cả về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và phương pháp nghiệp vụ; trách nhiệm, tận tụy với công việc đã tạo nên sức mạnh toàn diện của khuyến nông Ninh Bình.
Nhiều hình thức hoạt động phong phú như thông tin tuyên truyền, đào tạo, huấn luyện, xây dựng mô hình trình diễn… đã được Trung tâm triển khai thường xuyên, hiệu quả, qua đó vừa góp phần quan trọng chuyển giao kỹ thuật sản xuất mới cho nông dân, vừa thúc đẩy phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn.
Mô hình mạ khay cấy máy được Trung tâm khuyến nông tỉnh triển khai tại huyện Yên Khánh.
Đối với sản xuất lúa, nhiều tiến bộ công nghệ mới phù hợp được Trung tâm chuyển giao, để lại nhiều dấu ấn đậm nét, trở thành phương thức sản xuất chủ lực qua từng thời kỳ, giai đoạn sản xuất khác nhau. Điển hình như kỹ thuật gieo thẳng lúa, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ.
Đối với sản xuất rau màu, nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường về nông sản hàng hóa đảm bảo an toàn, Trung tâm đã chuyển giao công nghệ sản xuất rau, củ, quả, hoa trong nhà lưới, nhà kính, ứng dụng công nghệ tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt, tưới thông minh…
Các cơ sở sản xuất được đăng ký chứng nhận đảm bảo đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, được các công ty ký kết thu mua sản phẩm, người tiêu dùng quan tâm, tiêu thụ thuận lợi, giá bán thường cao hơn 20 - 50% so với sản phẩm cùng loại ngoài thị trường, giá trị thu hoạch ước đạt 500 -700 triệu đồng/ha/năm, có mô hình đạt 1,5 - 2 tỷ đồng/ha/năm.
Ở lĩnh vực chăn nuôi, chương trình cải tạo đàn bò theo hướng chuyên thịt bằng các giống bò tiềm năng, năng suất cao như Laisind, Bladman, BBB; chương trình cải tạo đàn dê bằng giống dê Boer… đã góp phần gia tăng đáng kể số lượng đàn cũng như sản lượng, chất lượng thịt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và phục vụ phát triển du lịch.
Ngoài ra, Trung tâm còn xây dựng thành công chuỗi liên kết trong chăn nuôi thỏ, hình thành vùng nguyên liệu thỏ tốt cung cấp cho Công ty Nippon Nhật Bản; ứng dụng thành công công nghệ chuồng kín có sự kiểm soát chặt chẽ về môi trường, dịch bệnh trong chăn nuôi lợn, xử lý chất thải bằng máy ép, phân tạo nguồn phân hữu cơ phục vụ trồng trọt và phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn. ở lĩnh vực thủy sản, đẩy mạnh chuyển giao các công nghệ nuôi thâm canh, siêu thâm canh, đưa nhiều đối tượng con nuôi mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất như cá Hồng Mỹ, cá Chẽm…
Ngoài ra, Trung tâm còn thực hiện nhiều mô hình chuyển đổi cho các vùng đất lúa, đất màu, đất vườn tạp kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao. Cụ thể như: mô hình trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi, mô hình trồng ổi Đài Loan, Thanh Long ruột đỏ, mô hình trồng chuối, ổi kết hợp với nuôi trồng thủy sản. Nhìn chung, các mô hình chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 4 - 6 lần so với trồng lúa.
Những năm gần đây, nông nghiệp Ninh Bình đã có bước chuyển nhanh, mạnh theo hướng hàng hóa. Sản lượng, chất lượng, giá trị các mặt hàng nông sản đều tăng. Giá trị sản xuất toàn ngành năm 2019 đạt 8.626 tỷ đồng, năm 2020 ước đạt 8.857 tỷ đồng; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015-2020 là 2,02%/năm. Giá trị 1 ha canh tác năm 2019 đạt 130 triệu đồng, năm 2020 ước đạt 135 triệu đồng, tăng 27 triệu đồng/ha so với năm 2015.
Thời gian tới, tỉnh ta xác định nông nghiệp phải hướng tới một nền sản xuất hiện đại, bền vững. Đó là nền sản xuất hữu cơ, thông minh, phù hợp với điều kiện tự nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu; kết hợp giữa khoa học công nghệ và tập quán văn hóa cổ truyền.
Ông Phạm Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Bám sát định hướng của ngành, tỉnh, nhu cầu của người dân đặc biệt là Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy, Thông báo số 6008/TB-BNN-VP ngày 1/9/2020 kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tại buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Bình, Trung tâm sẽ tiếp tục tập trung xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất.
Hình thành liên kết trong sản xuất, xây dựng tổ hợp tác, HTX ngành hàng. Đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất hữu cơ, theo hướng hữu cơ, trước mắt là đối với lúa, rau quả và chăn nuôi. Nhân rộng mô hình mạ khay cấy máy, sử dụng máy bay không người lái; các mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây ăn quả tại các vùng đồi; mô hình trồng rau, quả trong nhà lưới, nhà kính.
Thử nghiệm các chế phẩm có nguồn gốc hữu cơ làm phân bón trong sản xuất nông nghiệp; các mô hình sử dụng thuốc BVTV thế hệ mới. Xây dựng một số mô hình phát triển kinh tế trang trại nông nghiệp sinh thái, trải nghiệm gắn với phát triển du lịch. Đây sẽ là hướng đi khởi sắc và tạo nhiều ấn tượng cho nông nghiệp Ninh Bình.