Đã một tháng sau ngày cơn lũ lớn tràn về mà vợ chồng chị Trần Thị Huyền thôn Công Luận, xã Gia Tường (Nho Quan) vẫn không thể tin những điều đã xảy đến với gia đình mình. Không chỉ mấy gian bếp cùng con lợn gần một tạ đã trôi theo dòng nước, mà bao nhiêu hy vọng của gia đình vào hơn 4 mẫu ruộng trũng thả cá cũng tan như mây khói. Đứng trước ngôi nhà cấp 4 siêu vẹo với nhiều vết nứt do ảnh hưởng của cơn lũ dữ, không cầm được nước mắt, chị Huyền cho hay, trước lũ, gia đình chị là một trong những hộ nghèo của xã Gia Tường. Thu nhập của 4 khẩu trong gia đình đều trông vào mấy sào ruộng chỉ chắc ăn có một vụ nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Mong muốn thoát nghèo, đầu năm 2008, gia đình chị đã mạnh dạn vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện đầu tư cải tạo mấy mẫu ruộng trũng để thả cá và mua thêm một con lợn để tăng gia sản xuất.
Chị Huyền xây dựng lại bếp nhờ sự giúp đỡ của anh em họ hàng. Ảnh: Q.K
Hai vợ chồng chị đã dồn hết sức vào chăm sóc ao cá, dự kiến cho thu khoảng 2 tấn cá vào dịp cuối năm. Thế nhưng, trận lũ lớn ào qua cuốn phăng đi tất cả, mất hết vốn liếng mà nợ ngân hàng cũng không trả được. "Bây giờ không biết gia đình tôi sẽ trông cậy vào đâu nữa?"- chị Huyền than thở.
Cũng giống như hoàn cành của chị Huyền nhiều hộ gia đình ở xã vùng trũng Gia Tường có mô hình nuôi trồng thủy sản đã bị thiệt hại nặng do cơn lũ vừa qua. Anh Đỗ Văn Vinh, thôn Kiến Phong cho biết thêm, vừa qua anh có vay 45 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện để mở rộng sản xuất. Trong đó đầu tư trên 30 triệu cá giống trên diện tích 4,5 ha hồ đầm nằm ngay bên đập tràn. Năm ngoái nhà anh đã mất trắng, lũ năm nay về muộn lại lên rất nhanh nên gia đình không kịp đánh bắt.
Toàn bộ 4,5 ha thủy sản với hơn 10 tấn cá thịt đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch cùng toàn bộ ngư cụ như đăng, lưới, vó… đều bị dòng lũ cuốn sạch chỉ trong một đêm thiệt hại ước tính trên 100 triệu đồng. Vậy là toàn bộ gia tài anh chị cóp nhặt, dành dụm trong suốt chục năm qua bỗng trở thành tay trắng! Anh tâm sự: "Bây giờ, việc trả nợ NH là vấn đề khó khăn với gia đình tôi, muốn tiếp tục khôi phục sản xuất, từng bước tháo gỡ khó khăn chúng tôi vẫn rất mong chờ vào đồng vốn của các Ngân hàng".
Ngay sau khi lũ đi qua, các Ngân hàng đã sớm có những biện pháp chia sẻ gánh nặng với người dân. Ông Đinh Ngọc Toán, Phó Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT huyện Nho Quan cho biết, trước sự lo lắng của người dân bị ảnh hưởng bởi trận lũ, cán bộ NHNN huyện đã khẩn trương khảo sát địa bàn để đánh giá mức độ thiệt hại, đồng thời động viên các hộ cùng hợp tác với ngân hàng tìm hướng giải quyết khắc phục dần mọi khó khăn.
Qua đánh giá sơ bộ thiệt hại do cơn lũ vừa qua với Ngân hàng là trên 2 tỷ đồng. Căn cứ vào nhu cầu thực tế, Ngân hàng đang xem xét đề nghị tái cơ cấu thời hạn trả nợ cho những khách hàng bị thiệt hại nặng do đợt lũ vừa qua. Đồng thời Ngân hàng cũng chuẩn bị nguồn vốn để tiếp tục cho vay khôi phục sản xuất.
Không chỉ những khách hàng cũ sẽ được được vay vốn để tái đầu tư mà tất cả những hộ bị ảnh hưởng trong đợt lũ vừa qua đều có cơ hội vay vốn để hồi phục sản xuất nếu có phương án sản xuất kinh doanh khả thi. Về phía Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh cũng đã chuẩn bị phương án hỗ trợ đối với các trường hợp rủi ro do mưa lũ.
Theo số liệu từ NHCSXH tỉnh, đợt lũ lụt vừa qua đã khiến nhiều hộ gia đình của huyện Nho Quan là khách hàng của ngân hàng bị thiệt hại với tổng số tiền gần 5,3 tỷ đồng. Do đặc thù khách hàng của NHCSXH phần đa là những đối tượng nghèo, cận nghèo, nay lại thiệt hại nhà cửa, tài sản, ruộng vườn nên cuộc sống vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn và việc khắc phục hậu quả của lũ lụt sẽ gặp nhiều gian nan.
Để giúp đồng bào có điều kiện ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất và vươn lên, NHCSXH tỉnh đang cùng với chính quyền các địa phương và các tổ chức xã hội nhận ủy thác làm tốt công tác điều tra, đánh giá thiệt hại, xem xét nhu cầu vay vốn để xử lý nợ và tiếp tục cho vay, trong đó có cả đối tượng nghèo mới phát sinh do mất hết tài sản trong lũ.
Theo ông Lê Hữu Báu, Giám đốc NHCSXH tỉnh, ngay sau khi nước rút, Ban giám đốc NHCSXH Ninh Bình đã chỉ đạo các ngân hàng trực thuộc, tổ chức cán bộ nắm bắt tình hình mưa lũ, đánh giá thiệt hại của các hộ vay vốn. Trên cơ sở đó, cán bộ nghiệp vụ NHCSXH sẽ chủ động phối hợp với UBND các xã, các tổ chức hội, đoàn thể và các tổ tiết kiệm và vay vốn lập hồ sơ xử lý rủi ro từng trường hợp.
Cụ thể, đối với những hộ vay vốn bị thiệt hại về vốn và tài sản trên 80% sẽ được miễn lãi, những hộ bị thiệt hại từ 40%-80% sẽ được giảm 50% số lãi chưa trả. Bên cạnh đó, NHCSXH tỉnh dự kiến sẽ xin thêm Trung ương 30 tỷ nữa để tiếp tục cho vay bổ sung đối với các hộ đã vay vốn của NH bị thiệt hại và các hộ nghèo khác giúp bà con vùng lũ có vốn khôi phục sản xuất.
Quốc Khang