Khó kiểm soát chất lượng Lâu nay, đồ chơi trẻ em xuất xứ từ Trung Quốc luôn chiếm lĩnh phần lớn thị trường. Dạo quanh các trung tâm thương mại hay các chợ, siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh dễ dàng nhận thấy đồ chơi Trung Quốc tràn lan. Chị Nguyễn Thị Phương, phường Đông Thành (thành phố Ninh Bình) chia sẻ: "Tôi có con 4 tuổi, muốn mua đồ chơi bằng gỗ do Việt Nam sản xuất, nhưng tìm đến các cửa hàng đồ chơi cho trẻ, hầu hết là hàng Trung Quốc".
Tại một cửa hàng bán đồ chơi trẻ em trên đường Trần Hưng Đạo, thành phố Ninh Bình, chủ cửa hàng cho biết: Đa phần đồ chơi bán tại cửa hàng được nhập từ Trung Quốc do mẫu mã phong phú, đa dạng về chủng loại, giá cả lại rất hợp lý, phục vụ mọi lứa tuổi trẻ em.
Còn hàng Việt Nam cửa hàng cũng nhập vào nhưng ít bởi mẫu mã, tính năng mặt hàng quá đơn điệu, không đáp ứng sở thích của trẻ, giá thành lại đắt nên rất khó bán. Điều tra của Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ) cho thấy: Có trên 80% đồ chơi trẻ em lưu thông trên thị trường Ninh Bình có xuất xứ từ Trung Quốc, hầu hết được nhập từ các tỉnh biên giới phía Bắc, Hà Nội, Hải Phòng. Đồ chơi trẻ em sản xuất tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 20%.
Anh Phạm Việt Hùng, phường Vân Giang, thành phố Ninh Bình băn khoăn: "Người bán hàng nói có tem CR (đã kiểm định chất lượng) thì yên tâm nhưng thú thật tôi thấy tem rất đơn giản, nhiều tem trông như tờ giấy phô tô và đồ chơi nào cũng được dán tem như vậy. Tem CR ở các sản phẩm này liệu có đáng tin cậy hay không? Có phải cứ có tem CR trên sản phẩm là đồ chơi ấy đạt chất lượng?".
Theo đại diện Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ), về nguyên tắc, đồ chơi trẻ em có dán tem hợp quy (CR) là đồ chơi đã qua quá trình kiểm tra của cơ quan nhà nước, đạt các tiêu chuẩn an toàn cho trẻ nhỏ theo quy định. Tuy nhiên, việc dán tem CR hiện nay khá dễ dãi khiến việc quản lý trở nên khó khăn.
Cụ thể, một lô hàng đồ chơi sản xuất trong nước hoặc lô hàng nhập khẩu từ nước ngoài sẽ phải gửi mẫu đến Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1, 2, 3 (Quatest) hoặc Trung tâm Chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn (Quacert) để kiểm định.
Các sản phẩm sau khi trải qua quá trình kiểm định, đạt yêu cầu sẽ được cấp chứng nhận hợp quy và các công ty, đơn vị sản xuất, nhập khẩu được phép tự in tem CR. Mẫu tem CR khá đơn giản, chỉ có một vài thông tin như tên doanh nghiệp, thông số kỹ thuật, biểu tượng CR…
Ngoài ra, không có điểm đặc trưng nào để phân biệt thật giả, hơn nữa, số lượng tem in bao nhiêu, in như thế nào, sử dụng ra sao cũng không được kiểm soát chặt chẽ, nên đối tượng xấu dễ "ăn theo". Điều này tạo ra sự nhập nhằng giữa sản phẩm nhập lậu, chưa được kiểm định chất lượng với hàng hóa nhập khẩu chính ngạch.
Cơ quan quản lý được quyền yêu cầu đơn vị kinh doanh cung cấp các hồ sơ nhập khẩu, kiểm định. Tuy nhiên, việc phân định loại nào đã được kiểm định, sản phẩm nào chưa còn bất cập. Điều này càng khó với người tiêu dùng.
Lưu tâm khi chọn đồ chơi cho trẻ
Nhằm nâng cao việc tuân thủ các quy định của pháp luật, chống gian lận về chất lượng và ghi nhãn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đồ chơi trẻ em phục vụ Tết Trung thu năm 2015, tháng 9 vừa qua, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã phối hợp với Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ, Phòng Kinh tế thành phố Ninh Bình tiến hành đợt kiểm tra chất lượng và ghi nhãn đồ chơi trẻ em.
Qua kiểm tra cho thấy, thị trường đồ chơi trẻ em trên địa bàn tỉnh đã lành mạnh hơn những năm trước, đồ chơi mang tính bạo lực ít dần. Đặc biệt, những đồ chơi nguy hại đã được các phương tiện thông tin đại chúng cảnh báo thời gian qua như: bóng hơi, thú nhún, búp bê đầu quả… không còn xuất hiện.
Nhìn chung, các cơ sở đều chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh đồ chơi trẻ em. 100% các đơn vị được kiểm tra đã lưu giữ các thủ tục pháp lý kinh doanh trong lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng như: hợp đồng mua bán hàng hóa, kết quả thử nghiệm/chứng thư giám định chất lượng hàng nhập khẩu, hồ sơ chứng nhận hợp quy (giấy chứng nhận hợp quy, danh mục hàng hóa được chứng nhận). 99,7% mẫu đồ chơi đã có nhãn hàng hóa đúng quy định, có dấu hợp quy (CR).
Tuy nhiên, với những khó khăn trong việc kiểm soát tem CR như đã nêu ở trên thì kết quả kiểm tra có thực sự nói lên rằng những đồ chơi trẻ em lưu thông trên địa bàn là an toàn. Không ai dám khẳng định điều này, trong khi đó thực tế hiện vẫn còn một số cơ sở còn có tư tưởng chạy theo lợi nhuận, việc tìm hiểu các quy định của pháp luật trong kinh doanh đồ chơi trẻ em còn hạn chế nên chưa quan tâm đến chất lượng hàng hóa nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng.
Do vậy, trước khi chờ các cơ quan chức năng có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn, các bậc cha mẹ cần lưu tâm khi lựa chọn đồ chơi cho trẻ. Để lựa chọn được đồ chơi phù hợp và đảm bảo an toàn nên chú ý một số vấn đề như: lựa chọn đồ chơi phải được ghi nhãn đầy đủ theo quy định, có gắn tem hợp quy CR, có ghi các thông tin cảnh báo vệ sinh, an toàn và hướng dẫn sử dụng rõ ràng…., lựa chọn đồ chơi theo đúng độ tuổi ghi trên bao bì, nhãn hàng hóa, không lựa chọn đồ chơi mang tính bạo lực (kiếm, gươm, súng….). Chúng ta hãy hướng con em mình chơi những trò chơi lành mạnh, an toàn.
Bài, ảnh: Phương Hà