Những Quyết định hợp lòng dân được triển khai tích cực
Ngay sau khi có Quyết định 579 ngày 6-5-2009 và Quyết định 662 ngày 17-5-2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng CSXH, Ngân hàng CSXH Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng CSXH theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đó là: Hỗ trợ lãi suất cho tất cả người vay tại Ngân hàng CSXH, bao gồm các khoản vay bằng nguồn vốn Ngân hàng CSXH, nguồn vốn nhận tài trợ, ủy thác đầu tư từ ngân sách địa phương, ngân sách Trung ương, các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế. Thời hạn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa là 24 tháng. Việc hỗ trợ lãi suất được thực hiện đối với các khoản vay giải ngân từ ngày 1-5-2009 đến 31-12-2009, với mức hỗ trợ lãi suất là 4%.
Đồng chí Lê Hữu Báu, Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: Căn cứ vào hướng dẫn của cấp trên, Ngân hàng CSXH tỉnh đã thông báo đến tất cả các phòng giao dịch cấp huyện, thị xã trong tỉnh, đồng thời tổ chức hướng dẫn quy trình nghiệp vụ hạch toán khoản lãi suất hỗ trợ tiền vay cho đội ngũ kế toán và cán bộ tín dụng thuộc hệ thống. Sau khi triển khai trong nội bộ, Ngân hàng CSXH tỉnh, các phòng giao dịch đã triển khai các nội dung có liên quan trong cho vay hỗ trợ lãi suất đến các đơn vị nhận ủy thác như Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên từ tỉnh đến huyện, thị xã, gửi thông báo đến các xã, phường. Do được tuyên truyền kịp thời, sâu rộng cùng với những hướng dẫn cụ thể, nên các đơn vị nhận ủy thác vay vốn đã nhanh chóng vào cuộc cùng với chính quyền địa phương tiến hành bình xét, thẩm định, cung cấp cho Ngân hàng danh sách các hộ được vay vốn hỗ trợ lãi suất, giúp cho việc giải ngân nhanh chóng, chính xác và kịp thời.
Theo số liệu của Ngân hàng CSXH tỉnh, từ 1-5-2009 đến 30-7-2009 đã có gần 9.000 khách hàng được vay vốn hỗ trợ lãi suất với tổng dư nợ trên 100 tỷ đồng, trong đó cho vay hộ nghèo 40,41 tỷ đồng và cho vay vùng khó khăn gần 36,3 tỷ đồng. Các huyện có số dư nợ lớn là: Nho Quan 25 tỷ đồng, Hoa Lư 12,5 tỷ đồng, Kim Sơn 15 tỷ đồng, Yên Mô 14,4 tỷ đồng. Số lãi tiền vay đã hỗ trợ lãi suất cho khách hàng vay từ 1-5 đến 30-7-2009 là gần 450 triệu đồng. Do thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất đến 31-12-2009 mới hết hạn nên trong 4 tháng còn lại dư nợ sẽ còn tăng cao.
Để sử dụng nguồn vốn hiệu quả?
Đồng chí Nguyễn Đình Hòe, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Hoa Lư cho biết: Từ 1-5 đến 30-7-2009, Ngân hàng đã cho 959 khách hàng vay hỗ trợ lãi suất, trong đó có 2 hộ được vay vốn theo chương trình giải quyết việc làm trong cơ sở sản xuất, kinh doanh, mỗi hộ 100 triệu đồng, đó là ông Phạm Văn Thìn khai thác đá xây dựng ở xã Ninh Xuân; Doanh nghiệp Minh Trang làm thêu ren ở xã Ninh Hải, còn lại đa số là cho vay hộ nghèo, có 477 hộ được vay tối đa 20 triệu đồng/hộ, 245 hộ sản xuất, kinh doanh được vay tối đa 30 triệu đồng/hộ. Các hộ được vay vốn hỗ trợ lãi suất đã đầu tư trang bị thêm máy móc, mở rộng nhà xưởng; các gia đình được vay từ 30 triệu đồng trở xuống đầu tư vào mua giống, thức ăn chăn nuôi… Hiện Ngân hàng vẫn đang tiếp tục cho vay theo danh sách do Tổ tiết kiệm và vay vốn của các xã, thị trấn thẩm định.
Đồng chí Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Yên Mô cho biết: Đến 30-7, Ngân hàng đã cho vay 895 hộ với tổng dư nợ 14,4 tỷ đồng, trong đó cho vay hộ nghèo là 360 hộ; cho vay vùng khó khăn 354 hộ. Cho vay phát triển kinh tế trang trại, giải quyết việc làm 2 hộ, là ông Lê Văn Phái ở xã Yên Thành và ông Lê Văn Cường ở xã Yên Từ, mỗi hộ 100 triệu đồng.
Đến thăm trang trại chăn nuôi tổng hợp của anh Lê Văn Cường ở xã Yên Từ, được biết: Trang trại chăn nuôi của anh mỗi năm thu nhập trên 450 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 150 triệu đồng, giải quyết việc làm, thu nhập thường xuyên cho 15 lao động đều là thanh niên. Với số vốn 100 triệu đồng được vay, anh đã đầu tư 30 triệu đồng để làm chuồng nuôi lợn siêu nạc, 70 triệu đồng còn lại anh mua 18 con lợn nái siêu nạc về để gây giống.
Doanh nghiệp tư nhân Vạn Bảo Ngọc (ở thị xã Tam Điệp) do anh Phạm Bá Ngọc làm Giám đốc được Ngân hàng CSXH tỉnh cho vay 200 triệu đồng qua tổ chức Đoàn thanh niên nhận ủy thác. Anh Ngọc cho biết: Doanh nghiệp sản xuất hàng gỗ mỹ nghệ, doanh thu mỗi năm khoảng 1,5 tỷ đồng. Số vốn vay 200 triệu đồng, anh dành 100 triệu đồng mua gỗ nguyên liệu, 40 triệu đồng mua bổ sung máy móc thiết bị, 60 triệu đồng còn lại để trả công và mua các phụ liệu cần thiết phục vụ cho quá trình sản xuất.
Cũng từ đơn vị nhận ủy thác vay vốn là Đoàn thanh niên, anh Phạm Thanh Sơn ở phố Đông Phong, phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) được Ngân hàng CSXH tỉnh cho vay 200 triệu đồng bổ sung vào vốn tự có đã đầu tư 600 triệu đồng để kinh doanh vật liệu xây dựng. Có một điều dễ nhận thấy là tất cả các khách hàng được vay vốn hỗ trợ lãi suất đều rất phấn khởi đón nhận sự quan tâm của Chính phủ đối với người nghèo.
Nguyễn Chấn