Đậm sâu ký ức được gặp Bác Hồ
Kỷ niệm khó quên đối với ông Lại Hùng Phi chính là ngày 13-1-1946, ông vinh dự được đón Bác Hồ khi Bác về thăm Phát Diệm. Đây cũng là lần đầu tiên Bác về thăm Ninh Bình. Ông Phi bồi hồi nhớ lại: Khi biết tin Bác sẽ về thăm, mọi người trong thị trấn phấn khởi lắm, nhiều ngày trước đó ai cũng trang hoàng nhà cửa, dọn dẹp đường phố để đón Người. Ngay từ sáng sớm ngày 13-1-1946, bà con lương giáo không chỉ ở Phát Diệm mà còn ở nhiều xã lân cận đã tập trung rất đông ở hai bên đường để đón Bác. Chờ Bác đến gần trưa thì có người kháo tin rằng Bác không về nữa… Lúc đó một số bà con buồn lắm, nhưng tôi và nhiều người khác tin rằng, không thể có chuyện đấy và vẫn kiên trì đứng đợi Người. Và đúng vậy. Khoảng 9 giờ thì Bác về đến nơi. Bác mở cửa xe bước ra và vẫy tay chào, mọi người hô vang "Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!"; "Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa muôn năm!". Rồi Bác vào nhà hát Nam Thanh nói chuyện với đồng bào, tại đây Người căn dặn: "Nước không độc lập thì tôn giáo không được tự do, hiện nay chúng ta có những nhiệm vụ chống giặc đói, chống giặc dốt, chống giặc ngoại xâm, nên chúng ta phải đoàn kết thì mới làm tròn được nhiệm vụ"…
Khắc ghi lời căn dặn của Người, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn Phát Diệm đã bắt tay vào các công việc cụ thể. Nhà nhà thi đua tăng gia sản xuất, đẩy mạnh chăm sóc lúa, luân canh tăng vụ trồng ngô, khoai. Chính vì vậy mà vụ đông xuân năm 1946, thị trấn Phát Diệm được mùa lớn, đẩy lùi được "giặc đói". Cùng với sản xuất, đồng bào lương - giáo đã đoàn kết đấu tranh với các thế lực thù địch, tham gia ủng hộ chính quyền cách mạng. Phong trào bình dân học vụ cũng phát triển một cách sôi nổi. Ông Phi cũng trở thành một giáo viên bình dân học vụ, hướng dẫn bà con học hành, diệt "giặc dốt". Biết được phong trào thi đua của Đảng bộ, quân và dân thị trấn, năm 1947, Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi. Đây là động lực để mỗi người dân thị trấn không ngừng phấn đấu.
Hồi tưởng về những kỷ niệm trong lần được gặp Bác Hồ, không giấu nổi sự xúc động, khuôn mặt ông Phi hiện rõ niềm tự hào, phấn chấn. Ông bảo, thú thực, lúc bấy giờ trong trí tưởng tượng của tôi - chàng thanh niên 16 tuổi vẫn không thể hình dung được một vị lãnh tụ tối cao lại giản dị, gần gũi và thân tình với bà con như thế. Những lời căn dặn của Người vừa cụ thể, vừa sâu sắc, bà con nhân dân rất kính phục. Gặp Bác, lắng nghe lời căn dặn của Người, tôi tự nhủ phải khiêm tốn học hỏi, không ngừng nỗ lực phấn đấu, vươn lên…
Một lòng sắt son theo Đảng, theo Bác Hồ
Sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo ở Phát Diệm, thấm được nỗi khó nhọc của cha mẹ, người thân cũng như những người dân lam lũ, cơ cực ấy, chàng thanh niên Lại Hùng Phi sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng và tham gia các phong trào ở địa phương, được cử làm Huynh trưởng thiếu nhi của thị trấn Phát Diệm (năm 1946). Với tinh thần ham học hỏi, linh hoạt và sáng tạo, năm 18 tuổi, Lại Hùng Phi vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Ông cũng là một trong những "hạt nhân" đầu tiên của chi bộ đường phố Kim Sơn. Sau đó, ông được cấp trên giao giữ chức vụ văn phòng Đảng ủy Tiểu đoàn Đinh Tiên Hoàng. Được đồng chí, đồng đội tin yêu, đùm bọc, được quân đội rèn giũa, chàng thanh niên Lại Hùng Phi nhanh chóng trưởng thành, được cử đi học Trường lục quân Nguyễn Huệ, làm giảng viên Trường Quân chính tỉnh Nam Định, rồi được cử làm Chính trị viên Trung đội dân quân tự vệ huyện Xuân Trường. Năm 1952, ông và một số đồng đội đã bị giặc Pháp bắt, đưa đi giam giữ tại trại tù binh sĩ quan Đông Dương (Sài Gòn). Những năm tháng bị địch bắt giam tù đày, gian khổ nhưng ông Phi và các đồng đội vẫn luôn kiên định mục tiêu đấu tranh, bền gan, vững chí và không hề khuất phục dưới đòn roi dã man của kẻ thù. Năm 1954, khi hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, ông và các tù binh được trao trả tự do.
Trưởng thành trong máu lửa chiến tranh vệ quốc và trong phong trào cách mạng tại địa phương, ông Lại Hùng Phi đã kinh qua nhiều vị trí công tác như Bí thư đoàn thanh niên thị trấn; Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND thị trấn, Bí thư Đảng ủy thị trấn Phát Diệm; Chủ nhiệm Xí nghiệp chiếu cói Đại Đồng; Trưởng phòng Công nghiệp huyện Kim Sơn… Dù ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh và cương vị nào ông cũng luôn khắc ghi lời dạy của Người: Mỗi cán bộ, đảng viên phải là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Việc gì có lợi cho dân thì nhất định phải làm, phải cần, kiệm, chí công, vô tư, làm gì cũng phải vì mục đích phục vụ nhân dân, vì đất nước. Do có nhiều thành tích trong công tác, chiến đấu, ông Lại Hùng Phi vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Kỷ niệm chương Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày; Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Mùa xuân này, ông Lại Hùng Phi bước sang tuổi 86, chân đã yếu nhưng vẫn còn minh mẫn, ông thường xuyên đọc báo, nghe đài để cập nhật thông tin hàng ngày. Ông tâm sự: Sự đổi thay của quê hương, đất nước hôm nay là minh chứng cho thấy con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn là hoàn toàn đúng đắn. Tôi già rồi, không đi được đâu xa nhưng cứ nhìn sự "thay da, đổi thịt" ở Phát Diệm trong những năm qua mà thấy ấm lòng: Thị trấn ngày càng khang trang, sạch đẹp với nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát…, sự đổi thay ấy xuất phát từ bàn tay, khối óc của những người cộng sản, của nhân dân lao động cần mẫn.
Mỗi dịp xuân về cũng là dịp con cháu trong gia đình ông bà Phi đi xa có dịp sum vầy quanh mâm cỗ ngày Tết. Những lúc như thế, ông Phi thường kể chuyện về lần được gặp Bác Hồ để con cháu cùng nghe. Các thành viên trong gia đình ai cũng chăm chú lắng nghe cho dù có thể với họ câu chuyện ấy đã được cha mình, ông mình kể đi, kể lại nhiều lần, nhưng với họ những kỷ niệm thiêng liêng của ông, cha đều rất đáng trân trọng. Điều đó làm ông Phi cảm thấy hạnh phúc.
Bài, ảnh: Đinh Ngọc - Anh Tuấn