Sau những chuyến đi và viết, nhiều nhà báo đã có những việc làm hết sức ý nghĩa để kết nối những tấm lòng hảo tâm đến với những mảnh đời còn kém may mắn trong cuộc sống.
Cách đây gần 6 năm, trong một lần đi viết bài về những phụ nữ nhiễm HIV, nhà báo Trang Nhung đã tâm sự và bày tỏ ý định với chúng tôi: Các phóng viên Báo Ninh Bình cần phải làm một việc gì đó để giúp đỡ, động viên họ. Bàn bạc rồi chúng tôi quyết định kêu gọi cán bộ, phóng viên, nhân viên trong cơ quan và một số nhà hảo tâm như sư cụ Thích Đàm Tiến, Trụ trì chùa Mía (thành phố Ninh Bình), để có chút quà nhỏ tặng các câu lạc bộ "Vì ngày mai tươi sáng". Thời điểm ấy, sự phân biệt, kỳ thị những người HIV /AIDS trong cộng đồng và sự mặc cảm của chính những người trong cuộc là rất lớn. Do đó, với sự có mặt và động viên của đoàn nhà báo chúng tôi đã góp phần đem lại sự tự tin, mạnh dạn khi giao tiếp, hòa nhập cộng đồng của nhiều người có H.
Chính từ chuyến đến thăm ấy mà hoạt động tác nghiệp của nhiều nhà báo thuận lợi hơn vì nhận được sự hợp tác tích cực, sự chia sẻ, tâm tình thật cởi mở của nhiều người có H - điều mà trước kia các phóng viên không dễ dàng nhận được. Và cũng chính từ khởi điểm này đã đưa nhiều nhà báo gắn bó với hoạt động nhân đạo, từ thiện ở nhiều cách thức khác nhau.
Đợt lũ lụt miền Trung năm 2010, có lẽ để lại ấn tượng sâu sắc với nhiều người đó là phong trào ủng hộ, chia sẻ khó khăn, mất mát của người Ninh Bình với đồng bào miền Trung.
Ngay ở thành phố Ninh Bình, những ngày ấy đi đến đâu cũng thấy các biển hiệu được chăng treo "Vì miền Trung ruột thịt"… Điểm tiếp nhận quà ủng hộ được đặt ở nhiều con phố, tuyến đường., theo đó nhiều gói hàng hóa mang theo quần áo, lương thực, thực phẩm, sách vở… được bao gói cẩn thận và được vận chuyển kịp thời tới tay đồng bào đang chịu lũ lụt.
Tham gia trong đội quân báo chí tuyên truyền, phản ánh về hoạt động mang đậm ý nghĩa nhân văn này, nhà báo Thu Thủy không chỉ có những bài viết sâu sắc về tấm lòng của người dân thành phố, mà chị còn hăng hái tham gia vận động người dân ở khu phố nơi chị sinh sống quyên góp, ủng hộ. Chỉ riêng phường Đông Thành nơi gia đình chị sinh sống đã có những chuyến xe lần lượt về với miền Trung với vô số hàng hóa, nhu yếu phẩm. Nhà báo Thu Thủy đã trực tiếp tham gia chuyến xe về miền Trung. Chị có cơ hội được tận mắt chứng kiến những mất mát, cuộc sống gian khó của người dân nơi đây khi bị lũ lụt cuốn trôi nhà cửa, gia tài... Sau chuyến đi, chị đã có bài viết "Về với miền Trung ruột thịt". Bài báo ra đời đã đón nhận được tình cảm của độc giả và sự trân trọng, biết ơn của đồng bào miền Trung.
Nhân dịp kỷ niệm "50 năm ngày Nạn nhân chất độc da cam", nhà báo Thu Thủy đã kết nối được nhiều tấm lòng của các doanh nhân cựu chiến binh đang sinh sống ở khu phố nơi chị ở phối hợp cùng Báo Ninh Bình, các địa phương trong tỉnh đi thăm, tặng quà các gia đình nạn nhân da cam với các phần quà trị giá hàng chục triệu đồng.
Mới chỉ cách đây hơn tuần, khi cùng Ban từ thiện Hội Phật giáo tỉnh đến thăm, tặng quà các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân da cam ở một số địa phương trong tỉnh, tôi đã hết sức xúc động khi được nghe họ tâm sự. Chị Phạm Thị Mạc ở xã Khánh Công (huyện Yên Khánh) bế đứa con nhỏ đã lên 6 tuổi nhưng chỉ trông như đứa bé hơn 1 tuổi trên tay do bị não bẩm sinh cho biết: Trong khi điều kiện của gia đình đang hết sức khó khăn vì con bị bệnh, hầu như tháng nào cũng đi viện thì sự quan tâm, động viên của những tấm lòng hảo tâm thực sự là món quà quý dành cho gia đình. Gia đình tôi cũng xin cảm ơn Báo Ninh Bình đã làm nhịp cầu nối để chúng tôi nhận được sự sẻ chia, giúp đỡ của cộng đồng, vượt qua những khó khăn...
Với cá nhân tôi, nghe những lời tâm sự trân thành này, tôi hiểu rằng mỗi nhà báo chúng tôi cần quan tâm và dành nhiều tâm huyết hơn nữa cho hoạt động từ thiện, để xứng đáng là "Nhịp cầu nhân ái" nối những tấm lòng thiện nguyện vì xã hội, cộng đồng.
Phan Hiếu