Theo ông Marco Saladhi, trưởng đại diện ICE tại TP Hồ Chí Minh các nguồn vốn đầu tư lớn vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng trong thời gian qua đã giúp Việt Nam duy trì tốc độ phát triển kinh tế cao, góp phần làm giảm đói nghèo. Một số chuyên gia dự báo, nhu cầu về vốn trong lĩnh vực hạ tầng ở Việt Nam sẽ lên đến 150 tỷ USD cho đến năm 2015. Vì thế, bên cạnh những nguồn vốn lâu nay trong lĩnh vực này như nguồn vốn Nhà nước, vốn ODA, ông Marco cho rằng đã đến lúc Việt Nam phải huy động thêm các kênh tài chính mới từ khu vực tư nhân theo hình thức BOT (BOT là phương thức huy động vốn đầu tư tư nhân vào xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích công cộng).
Ông Phạm Khánh Toàn, Phó cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Xây dựng cho rằng, đến năm 2010, lượng vốn ODA vào Việt Nam sẽ giảm đáng kể vì Việt Nam sẽ thoát khỏi danh sách các nước nghèo. Việc tìm kiếm nguồn lực khác trong xây dựng cơ bản đang là vấn đề bức thiết. Vì thế, theo ông khóa học này rất bổ ích cho các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này.
Ông Marco nhận định, bằng việc ban hành Nghị định 78/2007/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT), Chính phủ Việt Nam đã thừa nhận tầm quan trọng của nguồn vốn BOT.
Ở Việt Nam hiện nay, dự án huy động vốn theo hình thức BOT thành công đang đếm trên đầu ngón tay, như dự án Nhà máy điện Phú Mỹ II, đường cao tốc Hà Nội và một số dự án thủy điện nhỏ. Việc huy động vốn BOT rất phức tạp, do phải có quá trình đàm phán giữa khu vực tư nhân và Nhà nước để thỏa thuận những điều khoản về vấn đề vay, vốn góp, thu hồi vốn... Vì thế, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Khóa học này nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thích ứng với xu thế mới này, nhằm nâng cao nhận thức của học viên về các vấn đề như: quá trình thực hiện các dự án BOT, các nghiệp vụ đấu thầu, các khía cạnh pháp lý và tài chính của hình thức hợp tác nhà nước - tư nhân trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, các nghiên cứu cụ thể cho quy trình chuẩn bị dự án và hợp đồng.
Khóa học được tổ chức miễn phí dành cho đối tượng cán bộ thuộc cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải, tài chính, kế hoạch và đầu tư (khu vực công), cũng như các thành viên thuộc các công ty xây dựng, ngân hàng và tài chính trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng (khu vực tư nhân). Số lượng học viên cho mỗi khóa đào tạo không quá 40 người.
Khóa học tại Hà Nội sẽ diễn ra từ 23 đến 27-6 và tại TP Hồ Chí Minh từ 30-6 đến 4-7. Các học viên có thể đăng ký và nhận thư mời tại Văn phòng Thương vụ Ý tại TP Hồ Chí Minh (email: hochiminh.hochiminh@ice.it) hoặc Học viện cán bộ quản lý xây dựng đô thị tại Hà Nội (email: bdcbnxd@vnn.vn).
Theo NDĐT