Nằm biệt lập nơi rừng núi, trang trại tổng hợp nuôi con đặc sản cho thu nhập mỗi năm trên 1 tỷ đồng của chàng thanh niên Đinh Văn Vương ở thôn Sấm 2, xã Cúc Phương (Nho Quan) đã trở thành địa chỉ quen thuộc với nhiều thương lái kinh doanh thực phẩm sạch. Đinh Văn Vương là một trong những thanh niên khởi nghiệp thành công, vì vậy, trang trại của anh cũng trở thành "địa chỉ uy tín" của Huyện đoàn Nho Quan nhằm giới thiệu cho các ĐVTN trong huyện tham quan, học tập kinh nghiệm, áp dụng vào thực tiễn. Đến thăm mô hình và trò chuyện về con đường khởi nghiệp của Vương chúng tôi thực sự cảm phục trước tinh thần, ý chí vươn lên và tư duy năng động của chàng trai này. Vương tâm sự: Là con thứ ba trong gia đình có đông anh em (5 người), bố mẹ đều làm nông nghiệp nên hoàn cảnh rất khó khăn. Năm 2006, sau khi tốt nghiệp THPT, một phần do điều kiện nhà nghèo, một phần do xác định được năng lực của mình có hạn, khó có thể theo đuổi các trường đại học, tôi quyết định ở nhà để cùng bố mẹ phát triển kinh tế, góp sức chăm lo cho các em. Vốn khởi nghiệp lúc bấy giờ không có gì ngoài mảnh đồi rừng hoang hóa sau bao nhiêu năm bố mẹ tôi xoay vần với các loại cây mà vẫn không có hiệu quả. Tôi luôn suy nghĩ cần phải thay đổi, tận dụng tối đa diện tích đồi rừng để phát triển kinh tế. Những năm đó, ở Cúc Phương đã có người bắt đầu nuôi dê thương phẩm và khá thành công, thấy vậy, tôi mạnh dạn đề xuất với gia đình vay vốn Ngân hàng chính sách để đầu tư nuôi 30 con dê thương phẩm. Lứa dê đầu tiên do nóng vội muốn khẳng định mình, trong khi kinh nghiệm chăn nuôi chưa nhiều nên tôi đã thất bại. Song, sự thất bại ấy giúp tôi hiểu cần phải điềm tĩnh, không nôn nóng trong kinh doanh hay bất cứ công việc gì...
Không rời bỏ mục tiêu ban đầu, bằng ý chí, nghị lực của một người trẻ, Vương đã quyết tâm khôi phục đàn dê, đồng thời mạnh dạn nhận khoanh nuôi, bảo vệ 11 ha rừng để tận dụng lợi thế thức ăn tự nhiên, phát triển con nuôi đặc sản. Hiện nay, ngoài chăn nuôi dê, Vương còn nuôi thêm hươu, lợn rừng, gà đồi và đặc biệt là thu phục các đàn ong rừng để lấy mật. Theo Vương, nuôi ong rừng rất dễ, vốn đầu tư ít và không mất nhiều công chăm sóc. Điều quan trọng là phải biết làm tổ nhân tạo, thu hút ong rừng về nhà nuôi dưỡng, nhân rộng đàn. Muốn vậy cần chú ý đặt các tổ ong ở những nơi yên tĩnh, thoáng đãng, che đậy cẩn thận để tránh mưa, nắng cho ong. Đồng thời, mùa đông không được khai thác mật và đến mùa xuân phải chuẩn bị thùng mới để tách tổ cho ong vì nếu đông quá đàn ong sẽ bỏ đi.
Ngoài nuôi các con đặc sản, Vương còn học kỹ thuật trồng lan rừng để vừa phục vụ thú chơi hoa của mình, vừa phục vụ du khách gần xa có nhu cầu với loài hoa tao nhã này. Đặc biệt, hơn 3 năm qua, Vương còn khá thành công với mô hình đóng gạch bê tông và tham gia kinh doanh vận tải, kinh doanh dịch vụ làm đất. Các mô hình đã giải quyết việc làm cho gia đình và 4-5 thanh niên trong khu vực với thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, trừ chi phí Vương thu về trên dưới 1 tỷ đồng. Đinh Văn Vương cho biết: Khó khăn nhất trong khởi nghiệp của thanh niên miền núi chính là vấn đề xác định cây trồng, con nuôi và nguồn vốn. Quá trình khởi nghiệp, tôi may mắn nhận được sự trợ giúp tích cực từ tổ chức Đoàn về tư vấn tiếp cận nguồn vốn, kỹ thuật và đặc biệt là nguồn động viên tinh thần của gia đình, bạn bè để giúp tôi đứng lên sau thất bại...
Thành công từ các mô hình phát triển kinh tế của thanh niên huyện Nho Quan có vai trò rất lớn của các cấp bộ Đoàn trong việc phối hợp với các tổ chức, đoàn thể đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp, việc làm, hỗ trợ nguồn vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, những phương pháp phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu quả cho đoàn viên, thanh niên. Hàng năm, Huyện đoàn Nho Quan đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn, Tỉnh đoàn Ninh Bình tổ chức hàng chục lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, khởi nghiệp, sản xuất, kinh doanh cho thanh niên địa phương. Bên cạnh đó, Huyện đoàn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức các lớp tập huấn về quản lý nguồn vốn vay và giải ngân vốn cho đoàn viên thanh niên. Đến nay, tổng số tổ vay vốn tiết kiệm do đoàn thanh niên quản lý là 78 tổ với tổng dư nợ là 70,9 tỷ đồng. Hiện nay, trên địa bàn huyện có nhiều mô hình cho thu nhập từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng như: Mô hình rau an toàn của anh Hà Văn Phương, thôn Chàng, xã Sơn Lai (150 triệu đồng/năm); mô hình trang trại VAC của anh Bùi Văn Sinh, thôn Đồng Bài, xã Quảng Lạc (150 triệu đồng/năm); mô hình trang trại tổng hợp của anh Nguyễn Văn Khoan, thôn Vân Trung, xã Thượng Hòa (500 triệu đồng/năm); Công ty sản xuất cơm cháy của anh Bùi Văn Mạnh, thôn Đại Hòa, xã Xích Thổ (17 tỷ đồng/năm)…
Trao đổi với chúng tôi về những thanh niên miền núi Nho Quan đang từng ngày nỗ lực vượt lên khó khăn để tìm ra phương thức thoát nghèo, vươn lên làm giàu, Phó Bí thư Huyện đoàn Nho Quan Đinh Ngọc Vường cho rằng các mô hình điển hình trên chính là những nhân tố tích cực, có sức thuyết phục làm lan tỏa phong trào "khởi nghiệp" trong tuổi trẻ. Anh cho biết: Trong xu thế hội nhập, truyền thông đa dạng, nhiều thanh niên miền núi Nho Quan đã tiếp cận rất nhanh với thị trường và có chọn lọc để tìm ra phương thức sản xuất phù hợp. Điều quan trọng là thanh niên Nho Quan hôm nay đã có ý tưởng làm giàu một cách khoa học, phù hợp với năng lực bản thân và điều kiện kinh tế của gia đình. Trên cơ sở đó, tổ chức Đoàn cũng đã có những cách hỗ trợ kịp thời để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp. Và theo thống kê sơ bộ, hiện nay trên địa bàn huyện có 58 mô hình thanh niên khởi nghiệp hiệu quả, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương.
Bài, ảnh: Mai Lan