Trong giai đoạn 2011-2013, công tác xóa đói giảm nghèo ở tỉnh ta được triển khai đồng bộ và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các chính sách, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đã được các cấp, các ngành quan tâm triển khai, tác động trực tiếp đến đời sống người nghèo, giúp họ phát triển kinh tế, ổn định đời sống tiến tới giảm nghèo bền vững.Trong giai đoạn này, tỉnh ta đã có gần 14.900 lượt người nghèo được vay vốn ưu đãi với số tiền gần 219 tỷ đồng. Bên cạnh việc cho vay vốn, mỗi năm, các ngành chức năng còn tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho gần 7000 người thuộc hộ nghèo với tổng kinh phí trên 7 tỷ đồng. Ngoài ra, các cơ sở và doanh nghiệp đào tạo nghề đã dạy nghề cho trên 1 nghìn lao động nghèo với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng. Có vốn, có tay nghề, các hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thêm thu nhập, giúp họ từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo cũng được tỉnh ta thực hiện có hiệu quả. Trong giai đoạn 2011-2013, tỉnh đã dành nhiều nguồn lực từ địa phương, huy động nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm… hỗ trợ xây dựng được gần 3 nghìn nhà ở cho hộ nghèo, hộ chính sách có khó khăn về nhà ở với tổng số tiền trên 77 tỷ đồng. Cùng với đó, tỉnh ta đã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục-đào tạo, trợ giúp pháp lý cho người nghèo.
Cùng với những chính sách cụ thể, các hội, đoàn thể trong tỉnh cũng đã triển khai nhiều mô hình giúp đỡ hội viên vươn lên thoát nghèo. Điển hình như Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh với phong trào "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình"; Hội nông dân vận động "Quỹ hỗ trợ nông dân" với các hình thức hỗ trợ vốn, cây giống, con giống, vật tư nông nghiệp, kỹ thuật canh tác; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giúp đỡ đoàn viên nghèo thông qua các phong trào "thanh niên sản xuất giỏi", đưa thanh niên tình nguyện về các xã, vùng đặc biệt khó khăn giúp địa phương phát triển sản xuất, giúp hộ thanh niên nghèo, phối hợp mở các lớp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất cho đoàn viên thanh niên; Hội Cựu chiến binh với phong trào "góp vốn giúp hội viên nghèo"…
Các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh đã vận động cán bộ, công nhân viên đóng góp vào quỹ "Vì người nghèo" với số tiền trên 50 tỷ đồng để hỗ trợ nhà ở, chữa bệnh cho các hộ nghèo... trong đó điển hình như tập đoàn Vingroup đã hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ chính sách gần 3 nghìn con bê giống và xây mới 135 ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí trên 32 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Cong thương Việt Nam hỗ trợ xây mới 130 ngôi nhà tình nghĩa cho hộ nghèo với tổng kinh phí trên 6 tỷ đồng, Tập đoàn Xuân Thành hỗ trợ xây 166 ngôi nhà tình nghĩa cho hộ nghèo với kinh phí gần 5 tỷ đồng…
Tỉnh ta cũng ưu tiên bố trí trên 80 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2013 để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, xã biên giới và thôn đặc biệt khó khăn. Theo đó, tổng số công trình được đầu tư là 30, trong đó có 14 công trình trường, 04 công trình trụ sở UBND xã, 10 công trình giao thông, 01 công trình điện, nước sinh hoạt, 01 công trình thủy lợi.
Đến nay, đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng 11 công trình, 19 công trình còn lại đang tiếp tục được đầu tư, hoàn thiện…Việc thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo đã đem lại hiệu quả rõ nét. Đời sống của nhân dân, nhất là nhóm hộ nghèo được cải thiện. Qua 3 năm triển khai, bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh ta giảm hơn 2%. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 5,44%, vượt 1,56% so với chỉ tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành chức năng thì kết quả giảm nghèo những năm qua vẫn chưa thực sự bền vững, số hộ tái nghèo vẫn còn, tỷ lệ hộ cận nghèo còn cao. Theo số liệu thống kê năm 2013, số người nghèo hết tuổi lao động là trên 4 nghìn người, chiếm tỷ lệ 10,74% số khẩu nghèo, ngoài ra, số hộ nghèo là người cao tuổi cô đơn, ốm đau gặp bệnh hiểm nghèo… Bởi vậy, biện pháp giảm nghèo bền vững trong giai đoạn tiếp theo hết sức khó khăn, đòi hỏi phải có sự chung tay của cả cộng đồng xã hội.
Mục tiêu trong năm 2014 và đến hết năm 2015, tỉnh ta phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2014-2015 bình quân mỗi năm giảm 2% số hộ nghèo, đặc biệt, công tác giảm nghèo phải chú trọng đến yếu tố bền vững. Để hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, trong giai đoạn tiếp theo này, tỉnh ta tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền đối với việc thực hiện chương trình giảm nghèo, coi đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền. Bên cạnh đó, công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân về các cơ chế, chính sách giảm nghèo, từ đó khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người nghèo, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của giảm nghèo của các cấp, các ngành và sự chia sẻ trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp.
Các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo như: tín dụng ưu đãi, nhà ở, dạy nghề miễn phí, hỗ trợ khuyến nông-lâm-ngư, giáo dục, y tế, hỗ trợ pháp lý… sẽ tiếp tục được triển khai hợp lý, hiệu quả. Cùng với đó, là đẩy mạnh nhân rộng các mô hình, kinh nghiệm giảm nghèo có hiệu quả, nhất là tạo việc làm ổn định cho người lao động thông qua việc nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề và xuất khẩu lao động…
Nguyễn Hùng