Ông Brett Krause, Tổng giám đốc Citibank Việt Nam nhận định, đây là giao dịch lớn thứ hai trên thị trường trái phiếu nội tệ kể từ khi thị trường mở lại từ đầu năm 2009 tới nay. Trước đó, vào cuối năm 2007, Citibank cũng đã tư vấn phát hành thành công trái phiếu đợt 1 trị giá 1.500 tỷ đồng cho Vinacomin với thời hạn trái phiếu là 10 năm, lãi suất cố định 9,5%/năm. "Trên cơ sở thị trường, chúng tôi đã tư vấn cho Vinacomin một "cấu trúc kép" nhằm vừa đáp ứng được nhu cầu của chủ phát hành đồng thời vừa hấp dẫn được nhà đầu tư, với việc đưa ra hai nhóm trái phiếu với các mức lãi suất cạnh tranh. Nhờ vậy, đã có 10 nhà đầu tư tham gia mua trái phiếu là các ngân hàng cổ phần và quốc doanh, các công ty bảo hiểm... với lượng đặt mua gấp 2 lần lượng chào bán của Vinacomin" - ông Brett Krause nói. Cụ thể, trong tổng số 1.500 tỷ đồng trái phiếu phát hành đợt này, 1.170 tỷ đồng trái phiếu thuộc nhóm A có mức lãi suất cố định 10,4%/năm trong 2 năm đầu tiên và lãi suất thả nổi trong 3 năm tiếp theo sẽ được xác định trên cơ sở bình quân lãi suất tiết kiệm của 4 ngân hàng thương mại lớn nhất (Đầu tư, Nông nghiệp, Ngoại thương và Công thương) cộng thêm 2,65%/năm. Số còn lại 330 tỷ đồng trái phiếu nhóm B sẽ có mức lãi suất cố định trong suốt thời hạn 5 năm là 10,5%/năm. Theo ông Trần Xuân Hòa, Tổng Giám đốc Vinacomin, nguồn vốn huy động được Vinacomin sẽ dùng để đầu tư cho một loạt các dự án than, điện và khoáng sản đang và sẽ triển khai trong thời gian tới như 10 dự án khai thác sâu các mỏ hầm lò mới với công suất 2 - 3 triệu tấn/năm, Nhà máy điện Mạo Khê, dự án bauxit-alumin ở Tây Nguyên.... "Bên cạnh việc tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng và huy động từ trong nước, chúng tôi cũng đã tích cực tìm kiếm các nguồn vốn từ bên ngoài, mà mới đây nhất, nhân chuyến tháp tùng Thủ tướng dự Diễn đàn Kinh tế bác Ngao, Vinacomin đã ký được một thỏa thuận với Credit Suisse thu xếp một khoản tín dụng cho các dự án của Tập đoàn tối thiểu từ 300-500 triệu USD" - ông Hòa cho biết thêm. Hiện tại, Vinacomin là nhà xuất khẩu than anthraxit lớn trên thế giới chiếm hơn 90% nguồn cung than anthraxit trên toàn cầu. Vinacomin hiện có 29 mỏ lộ thiên và 20 mỏ hầm lò với tổng công suất khai thác hiện nay vào khoảng 47 - 50 triệu tấn./.
Chính phủ đã giao Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản nghiên cứu, thăm dò và tiến tới khai thác, chế biến sâu khu vực khoáng sản Titan từ Bình Thuận, Ninh Thuận cho đến bắc Bà Rịa-Vũng Tàu. Hiện, Vinacomin đang trong quá trình nghiên cứu để có thể cuối năm nay hoặc đầu năm sau báo cáo chính phủ về dự kiến quy hoạch phát triển công nghiệp Titan, nhằm nâng giá trị hàm lượng xuất khẩu tài nguyên. Mặt khác, dự kiến cuối năm 2009, Vinacomin sẽ thành lập Tổng công ty Điện lực TKV, với mục tiêu đến cuối năm 2010 sẽ có tổng công suất là 1.500MW và sau năm 2015 tổng công suất các nhà máy điện của Tập đoàn sẽ vào khoảng 8.000 - 10.000MW. |
Theo Vietnam+